[Cứng khớp gối] Dấu hiệu, nguyên nhân, nguy hiểm, cách điều trị
Cứng khớp gối do đâu? Dấu hiệu cứng khớp gối dễ nhận biết không? Cách điều trị cứng khớp gối nào an toàn, hiệu quả? Cùng bài viết tìm hiểu nhé.
Nhận biết tình trạng cứng khớp gối
Khớp gối là một trong những vị trí khớp quan trọng giữ chức năng vận động và nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên do chịu áp lực lớn từ trọng lượng, đồng thời có tần suất và mức độ vận động thường xuyên nên khớp có nguy cơ tổn thương và thoái hóa cao.
Khớp gối được cấu tạo từ phần trên của xương chày và xương đùi. Các đầu xương được bao bọc bởi mô sụn và được cố định bằng 4 dây chằng. Cấu trúc này giúp ổ khớp chịu được áp lực lớn, vận động nhịp nhàng và trơn tru. Tuy nhiên khi xuất hiện thương tổn ở một hoặc nhiều cơ quan, ổ khớp có bị đau nhức, cứng và tê bì.
Các dấu hiệu nhận biết triệu chứng cứng khớp gối, bao gồm:
- Ổ khớp tê cứng, khó khăn hoặc không thể cử động
- Thường xuất hiện cơn đau nhức nếu cố gắng vận động và đi lại
- Hiện tượng cứng khớp kéo dài trong khoảng vài phút hoặc vài chục phút, thường xuất hiện sau khi vận động nặng hoặc sau khi ngủ dậy
- Có thể đi kèm với một số biểu hiện khác như vùng khớp gối sưng nóng, viêm đỏ, bầm tím, đau nhức hoặc phát ra âm thanh khi cử động
Trên thực tế, các biểu hiện đi kèm với cứng khớp gối phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Vì vậy bạn có thể gặp phải một số triệu chứng không được đề cập trong bài viết.
Nguyên nhân gây cứng khớp gối
Cứng khớp gối thường là hệ quả do vận động quá mức hoặc do chấn thương. Tuy nhiên ở một số trường hợp, triệu chứng này còn có thể là biểu hiện của các bệnh xương khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối, gout,…
Các nguyên nhân gây cứng khớp gối phổ biến:
1. Chấn thương
Chấn thương trong quá trình lao động, chơi thể thao và tham gia giao thông có thể gây tổn thương các bộ phận cấu thành và khiến đầu khớp bị tê cứng. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, hiện tượng cứng khớp thường đi kèm với tình trạng khớp bầm tím, sưng đỏ, đau nhức, bong gân,…
Tổn thương ổ khớp do tác động cơ học thường thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc và điều trị kịp thời. Ngược lại trong trường hợp không xử lý đúng cách, tổn thương ở khớp gối có thể tiến triển và thúc đẩy tốc độ thoái hóa.
2. Vận động quá mức
Vận động quá mức có thể gây tổn thương mô sụn, kéo giãn dây chằng và kích thích mô mềm bao quanh khớp. Các tác động này khiến ổ khớp mất cân bằng, dẫn đến tình trạng tê bì, đau nhức, ê mỏi và tê cứng khớp.
Cứng khớp gối do vận động quá mức thường gặp ở người lao động nặng, chơi thể thao có cường độ mạnh và người thừa cân – béo phì.
3. Dấu hiệu của các bệnh xương khớp
Ngoài ra, cứng khớp gối còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh xương khớp sau:
- Thoái hóa khớp gối: Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh viêm khớp phổ biến. Bệnh khởi phát khi quá trình hủy hoại mô sụn xảy ra nhanh hơn quá trình tái tạo và phục hồi. Ở bệnh lý này, mô sụn bị tổn thương, bào mòn, xơ hóa và giảm khả năng đàn hồi. Do đó thoái hóa khớp gối thường gây đau nhức, tê bì, cứng khớp và giảm phạm vi chuyển động.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm khớp mãn tính có liên quan đến yếu tố tự miễn. Ở người mắc bệnh, hệ miễn dịch có xu hướng tạo kháng thể tấn công vào các ổ khớp khỏe mạnh gây ra tình trạng viêm đỏ, sưng đau, tê bì và cứng khớp. Nếu xảy ra do viêm khớp dạng thấp, cứng khớp thường xuất hiện ở cả 2 khớp gối và có thể đi kèm với một số biểu hiện toàn thân như sốt nhẹ, đổ nhiều mồ hôi, tê các đầu chi, người gầy sút, mệt mỏi,…
- Bệnh gout: Bệnh gout là một dạng viêm khớp thường gặp ở nam giới. Bệnh xảy ra do nồng độ axit uric tăng cao khiến muối urat tích tụ, gây đau nhức và tê cứng đầu khớp. Thông thường, tổn thương do gout xảy ra chủ yếu ở khớp ngón chân cái. Tuy nhiên bệnh lý này cũng có thể ảnh hưởng đồng thời đến khớp gối và khớp khác trên cơ thể.
- Viêm khớp vảy nến: Viêm khớp vảy nến là thể hiếm gặp của bệnh vảy nến. Thể bệnh này không chỉ phát sinh thương tổn ngoài da mà còn gây hư hại mô sụn và ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp. Tương tự viêm khớp dạng thấp, cơ chế bệnh sinh của viêm khớp vảy nến có liên quan đến yếu tố tự miễn dưới tác động của một số yếu tố như nhiễm trùng, tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ,.. Bệnh gây sưng đau, cứng khớp và giảm khả năng vận động.
- Chứng khô khớp: Khô khớp là tình trạng ổ khớp giảm tiết dịch nhờn do thói quen ít vận động, sai tư thế, thừa cân – béo phì hoặc do quá trình lão hóa. Sụt giảm dịch nhờn khiến ổ khớp bị cứng, đau nhức khi vận động và có nguy cơ thoái hóa cao.
- Các bệnh lý khác: Ngoài ra cứng khớp gối còn có thể biểu hiện của viêm khớp phản ứng, viêm khớp nhiễm khuẩn, hoại tử vô mạch, viêm bao hoạt dịch,…
4. Các nguyên nhân khác
Cứng khớp gối còn có thể xảy ra sau khi phẫu thuật và bó bột. Tuy nhiên tình trạng này thường có chuyển biến rõ rệt khi thực hiện bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ở một số trường hợp, tê cứng đầu khớp còn có thể bắt nguồn từ cấu trúc khớp bất thường hoặc lạm dụng thuốc – đặc biệt là corticoid.
Cứng khớp gối có nguy hiểm không?
Cứng khớp gối là biểu hiện cho thấy ổ khớp bị tổn thương và thoái hóa. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 – 5 ngày và không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mặc dù các bệnh xương khớp hiếm khi đe dọa đến sức khỏe nhưng nếu không can thiệp sớm, tổn thương ở ổ khớp có thể tiến triển nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Ngoài ra một số dạng viêm khớp đặc biệt (do nhiễm trùng, tự miễn) có thể gây tổn thương da và các cơ quan nội tạng.
Cách điều trị cứng khớp gối
Điều trị cứng khớp gối phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu cơn đau xảy ra do vận động quá mức hoặc chấn thương nhẹ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện sau:
1. Giảm cứng khớp gối tại nhà
Đối với tình trạng cứng khớp gối có mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm đau nhức, tê bì và cải thiện khả năng vận động.
Một số biện pháp tại nhà giảm cứng khớp gối:
- Chườm lạnh/ nóng: Có thể sử dụng túi lạnh chườm lên đầu gối khoảng 15 – 20 phút để giảm sưng viêm, tê bì và đau nhức khớp. Trong trường hợp khớp gối bị bầm tím, có thể chườm nóng trong 10 – 15 phút để làm tan máu bầm.
- Xoa bóp: Xoa bóp sử dụng lực từ bàn tay để thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích ổ khớp sản sinh dịch nhầy và giảm mức độ chèn ép lên dây chằng. Để tăng tác dụng giảm đau và cứng khớp, có thể xoa bóp với dầu khuynh diệp hoặc một số loại dầu nóng khác.
- Nghỉ ngơi: Khi bị cứng khớp gối, nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động mạnh trong 3 – 5 ngày. Biện pháp này giúp phục hồi tổn thương ở mô mềm, sụn khớp, dây chằng và giảm nhanh triệu chứng cứng khớp gối.
- Mang đai hỗ trợ: Trong trường hợp khớp gối bị bong gân và đau nhức nhiều, có thể mang đai để giảm áp lực, cải thiện mức độ cơn đau, tê bì và cứng khớp. Ngoài ra, mang đai còn giúp ổ khớp ổn định, tăng tốc độ phục hồi và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.
2. Sử dụng thuốc không kê toa
Trong trường hợp cứng khớp gối đi kèm với triệu chứng đau nhức và sưng nóng, có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa như:
- Salonpas: Salonpas là thuốc giảm đau dạng miếng dán. Loại thuốc này chứa hoạt chất methyl salicylate 10% và menthol 3% có tác dụng làm mát, giảm viêm và đau nhức. Salonpas được sử dụng tại chỗ nên tương đối an toàn và có thể sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên.
- Voltaren gel: Voltaren gel được bào chế ở dạng bôi ngoài da. Thuốc chứa hoạt chất Diclofenac (thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid) có khả năng giảm đau nhức và sưng viêm. Thoa thuốc lên khớp gối 1 – 2 lần/ ngày có thể cải thiện tình trạng đau nhức, sưng nóng và cứng khớp.
- Capsaicin gel: Capsaicin là hoạt chất được chiết xuất từ quả ớt có tác dụng giảm đau và tê bì tại chỗ. Hoạt chất này hoạt động bằng ức chế canxi đi vào các synap, từ đó làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu đau đến hệ thần kinh trung ương.
- Paracetamol: Nếu tình trạng đau nhức không thuyên giảm khi sử dụng các loại thuốc tại chỗ, có thể dùng Paracetamol để giảm đau và cải thiện một số triệu chứng đi kèm. Paraceatamol là thuốc giảm đau, hạ sốt không kê toa và tương đối an toàn ở liều điều trị.
- NSAID: Một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Diclofenac, Aspirin,… cũng có thể được sử dụng để giảm đau và cứng khớp. Tuy nhiên NSAID có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày và hội chứng Reye nên cần thông báo với dược sĩ tình trạng sức khỏe, độ tuổi và tiền sử dị ứng để được cân nhắc việc sử dụng loại thuốc này.
Các loại thuốc không kê toa khá an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên để hạn chế rủi ro, bạn chỉ nên sử dụng thuốc trong tối đa 5 – 7 ngày. Nếu các triệu chứng ở khớp gối không thuyên giảm, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị y tế.
3. Xây dựng lối sống lành mạnh
Cứng khớp gối có thể trở nên nghiêm trọng hơn và tái phát nhiều lần nếu tiếp tục duy trì những thói quen xấu. Vì vậy ngoài việc áp dụng các mẹo chữa tại nhà và sử dụng thuốc không kê toa, bạn nên xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh.
Lối sống khoa học giúp cải thiện và phòng ngừa cứng khớp gối, bao gồm:
- Thay đổi các thói quen ảnh hưởng xấu đến hệ thống xương khớp nói chung và khớp gối nói riêng như lao động quá mức, mang vác vật nặng, ngồi xổm, ngồi quá nhiều, ít vận động,… Đồng thời nên trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh các tư thế sai lệch.
- Dành 15 – 30 phút/ ngày để tập thể dục. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng và cải thiện độ dẻo dai của xương khớp. Ngoài ra, tập thể dục còn có khả năng làm chậm quá trình lão hóa và phòng ngừa các bệnh xương khớp mãn tính.
- Thận trọng khi làm việc trên cao và tham gia giao thông để hạn chế nguy cơ chấn thương.
- Tập trung bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, cá, trứng, sữa, các loại thịt trứng, đậu, trái cây, ngũ cốc,… Hạn chế các loại thực phẩm và thức uống gây hại cho cơ thể như rượu bia, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh và đồ hộp.
- Chỉ nên làm việc trong 7 – 8 giờ/ ngày. Thực tế cho thấy, người làm việc quá sức, ngủ không đủ giấc và thường xuyên căng thẳng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp và một số bệnh lý mãn tính khác.
Không chỉ cải thiện và phòng ngừa cứng khớp gối, lối sống khoa học còn giúp nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe tim mạch và xương khớp. Vì vậy, bạn nên duy trì các thói quen lành mạnh trong thời gian dài – ngay cả khi triệu chứng tê cứng đầu gối thuyên giảm hoàn toàn.
Cứng khớp gối – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngoài những nguyên nhân thông thường, cứng khớp gối có thể là dấu hiệu của một số bệnh xương khớp. Triệu chứng do các bệnh lý này gây ra có xu hướng dai dẳng, tiến triển âm ỉ và nghiêm trọng dần theo thời gian.
Vì vậy nên chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau:
- Cứng khớp gối kéo dài hơn 5 ngày và không có đáp ứng khi sử dụng thuốc
- Xuất hiện kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như khớp sưng viêm, đau nhức, bầm tím nặng
- Cơ thể sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi và ăn uống kém
- Khớp đau nhức nghiêm trọng, không thể cử động và có gai xương bên dưới da
Khi nhận thấy những triệu chứng này, nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Cứng khớp gối là triệu chứng tương đối phổ biến và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp triệu chứng tiếp tục tiến triển hoặc đi kèm với các biểu hiện bất thường, cần đến bệnh viện kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.
Tham khảo thêm: Phương pháp vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối có hiệu quả?