[Tổng quan] Đau thần kinh tọa khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử lý

Đau thần kinh tọa khi mang thai ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của mẹ bầu. Thai càng lớn, các cơn đau hành hạ càng nhiều hơn. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do sự chèn ép đĩa đệm vào rễ thần kinh dẫn đến các cơn đau nhức, tê hoặc ngứa ran ở lưng dưới, mông và lan ra phía sau hai chân gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống thai kỳ. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này. 

Đau thần kinh tọa khi mang thai là gì?

Đa số các chị em phụ nữ đều phải trải qua các cơn đau lưng khi mang thai. Đây là tình trạng xảy ra rất phổ biến và thường xuất hiện vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ hoặc cơn đau này cũng có thể xuất hiện xuyên suốt thời kỳ mang thai.

Đau thần kinh tọa khi mang thai
Đau thần kinh tọa khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể

Trong một số trường hợp, cơn đau này rất có thể là một trong những triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa là dây thần kinh xuất phát từ lưng dưới, đi xuống phía sau chân và sau đó phân nhánh ra đến bàn chân. Tình trạng đau này xảy ra khi các mô mềm, xương, sụn, gân và các dây chằng chèn ép vào rễ thần kinh.

Mặc dù đau thần kinh tọa khi mang thai không hẳn là tình trạng xảy ra phổ biến và cũng không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thế nhưng, tình trạng này có thể là do sự thay đổi của cơ thể trong thai kỳ hoặc là dấu hiệu cảnh báo về các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa khi mang thai

Đau dây thần kinh tọa chỉ xuất hiện ở một số ít ở phụ nữ mang thai. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như:

  • Thay đổi hormone: Hầu hết phụ nữ mang thai đều có sự thay đổi hormone trong cơ thể. Chính sự thay đổi này khiến cho đốt sống có xu hướng bị lỏng lẻo và không thể hoạt động tốt được. Cùng với sự lớn lên của thai nhi khiến cho xương cột sống bị gây sức ép và khiến mẹ bầu cảm thấy đau nhức vùng lưng dưới.
  • Sự chèn ép của thai nhi: Khi thai nhi lớn dần trong tử cung sẽ chèn ép ngày một nghiêm trọng. Khi đó, mẹ bầu sẽ có cảm giác đau nhức tại vị trí cột sống, những cơn đau này cũng có xu hướng lan xuống dưới, lan sang cả phần mông và chân khiến cho việc đi lại trở nên đau đớn và khó khăn hơn.
  • Thoát vị đĩa đệm: Tình trạng này có thể xuất hiện trước hoặc sau quá trình mang thai. Khi đĩa đệm lồi ra sẽ chèn lên dây thần kinh tại hông khiến cho dây thần kinh tọa bị chèn ép và gây đau đớn. Tình trạng này khiến cho mẹ bầu cảm thấy đau nhức vùng thắt lưng, hông rồi lan sang cả vị trí chân và bàn chân.
  • Bụng và ngực phát triển: Vào giai đoạn thứ 3 của thai kỳ, bụng và ngực ngày càng phát triển khiến trọng tâm cơ thể ngã về phía trước và gây ảnh hưởng đến đường cong tự nhiên của cơ thể. Chính điều này đã gây áp lực lên các cơ ở mông, xương chậu và chèn ép dây thần kinh tọa.
  • Tử cung mở rộng: Tình trạng này gây sự ảnh hưởng và tác động lên các dây thần kinh tọa ở bên dưới cột sống và gây đau.
  • Hệ quả của một số bệnh lý khác: Táo bón, tiểu đường, béo phì, khuân vác nặng, vận động sai tư thế hoặc tập thể thao chưa đúng cách cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau thần kinh tọa.

Triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa khi mang thai

Đau thần kinh tọa sẽ gây ra cảm giác đau nhức như điện giật bắt đầu từ mông, đùi, chân và cả bàn chân. Triệu chứng của bệnh thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể và hiếm khi ảnh hưởng đến cả hai bên. Thông thường, đau thần kinh tọa khi mang thai sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau đây:

  • Các cơn đau có thể xuất hiện ở đầu thai kỳ và tăng dần vào những tháng cuối của thai kỳ.
  • Triệu chứng đau thần kinh tọa đầu tiên thường là những cơn đau ở lưng và thắt lưng. Cơn đau này thường xuất hiện đột ngột hoặc đôi khi kéo dài trong nhiều giờ.
  • Các cơn đau dọc thắt lưng lần lượt di chuyển sang phần hông, xuống đùi, đầu gối và đến tận gót chân.
  • Khi vận động mạnh hoặc ho, hắt hơi, leo cầu thang, thay đổi tư thế,… cũng sẽ gây ra tình trạng đau nhức.
  • Tê chân, yếu cơ hoặc có cảm giác như côn trùng bò, bị kim châm từ thắt lưng đến gót chân.
  • Đối với trường hợp nặng hơn có thể gây mất cảm giác ở chân, không làm chủ khi đại tiện, tiểu tiện hoặc có đôi lúc bị tê liệt tạm thời và không thể hoạt động như bình thường được.

Đau thần kinh tọa khi mang thai có nguy hiểm không?

Đau thần kinh tọa khi mang thai khiến cho các mẹ bầu cảm thấy đau nhức ngay tại vị trí thắt lưng. Tình trạng này luôn khiến cho các mẹ bầu đối mặt với nhiều đau đớn, khó chịu khi di chuyển, về lâu dài các mẹ trở nên ngại vận động hơn. Tuy nhiên, bệnh lý này sẽ có xu hướng biến mất ngay sau khi sinh, do đó các mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề này.

Mặt khác, nếu các mẹ bầu không sớm phát hiện cũng như có phương pháp điều trị phù hợp thì sẽ có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và có thể hình thành nên một số bệnh lý xương khớp như: Thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống,…

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị đau thần kinh tọa có kèm theo các triệu chứng sau thì cần phải đến bệnh viện lập tức để có giải pháp ngăn ngừa kịp thời như:

  • Chảy máu âm đạo hoặc co thắt tử cung có thể là dấu hiệu sinh non.
  • Tê ở vùng xương chậu và phần dưới cơ thể cũng là dấu hiệu của sinh non.
  • Sốt kèm theo tình trạng đau âm ỉ ở vùng lưng dưới hoặc đau xương sườn, hông và hai chân. Có thể đây là dấu hiệu nhiễm trùng thận hoặc bàng quang.
  • Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, nghiêm trọng mà không rõ nguyên nhân. Đôi khi các cơn đau này có thể là một trong những dấu hiệu của viêm khớp, loãng xương hoặc các rối loạn khác trong thai kỳ.
Đau thần kinh tọa khi mang thai
Đau thần kinh tọa khi mang thai không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau khi sinh

Hướng dẫn cách xử lý đau thần kinh tọa khi mang thai an toàn

Đau thần kinh tọa khi mang thai là bệnh lý không quá phức tạp và mẹ bầu có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc, tập vật lý trị liệu hoặc các bài tập tốt cho sức khỏe.

1. Sử dụng thuốc

Nếu cơn đau nhức kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình sinh hoạt thì mẹ bầu có thể cân nhắc sử dụng thuốc giúp kiểm soát cơn đau bất ngờ ập đến.

  • Thuốc giảm đau Acetaminophen: Đây là thuốc có tác dụng giảm đau nhanh chóng và không gây ra nhiều tác dụng phụ cho người bệnh. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên cẩn trọng trong quá trình sử dụng để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Thuốc giảm đau, kháng viêm không chứa steroid: Piroxicam, ibuprofen,… là một trong những loại thuốc được khuyên sử dụng. Mặc dù có tác dụng khá tốt nhưng đối với phụ nữ mang thai thì khuyến cáo không nên sử dụng vì có thể gây ra tác dụng phụ.
  • Thuốc tiêm steroid: Trong trường hợp các mẹ bị đau quá nhiều thì có thể cân nhắc cho sử dụng loại thuốc này.

Lưu ý: Trước khi sử dụng thuốc, các mẹ bầu cần phải thăm khám và tuân thủ việc sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua hoặc sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.

2. Vật lý trị liệu

Bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến khích các mẹ bầu áp dụng một số phương pháp vật lý trị liệu giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh như:

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh tại khu vực hông và mông.
  • Tắm bằng nước ấm sẽ giúp cho cơ thể được thư giãn, thả lỏng, hạn chế tình trạng căng cơ và giúp giảm đau hiệu quả.
  • Thực hiện châm cứu, bấm huyệt ngay tại vị trí đau sẽ giúp cho mẹ bầu có được giấc ngủ ngon hơn.
  • Thường xuyên tập luyện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bài tập giãn cơ sẽ giúp lưu thông máu, làm săn chắc cơ và làm giảm đau thần kinh tọa khi mang thai.

3. Các bài tập chữa đau thần kinh tọa khi mang thai

Các cơn đau do đau thần kinh tọa sẽ dần biến mất trong một vài tuần nếu các mẹ bầu thường xuyên áp dụng các bài tập tốt cho sức khỏ như sau:

3.1. Kéo dài cơ tháp chậu

Cơ tháp chậu là bộ phận nằm sâu trong mông, cạnh bờ trên của khớp háng gây ra các cơn co thắt dẫn tới đau thần kinh tọa. Bài tập kéo dài cơ tháp chậu sẽ giúp làm giảm căng cơ và giảm co thắt. Bạn có thể thực hiện động tác này bằng các bước như sau:

  • Nâng chân trái và đặt bàn chân lên đầu gối đối diện.
  • Từ từ nghiêng người về phía trước và giữ cho lưng thẳng cho đến khi cảm thấy phần lưng dưới bị căng ra.
  • Giữ tư thế này trong vòng 30 giâu rồi thả lỏng và đưa cơ thể trở về tư thế ban đầu.
  • Lặp lại động tác này tương tự với chân còn lại.

3.2. Tư thế em bé

Đây là tư thế yoga khá phổ biến cho các mẹ bầu. Bài tập này giúp kéo căng các cơ ở phần dưới của lưng và giúp giảm đau ở hông, chân. Người bệnh thực hiện như sau:

  • Quỳ trên một tấm nệm hoặc tấm thảm yoga.
  • Chụp hai bàn chân lại với nhau rồi mở rộng đầu gối để không gây sự chèn ép lên bụng.
  • Giữ cho lưng thẳng và hít một hơi thật sâu, vươn cánh tay lên phía đầu.
  • Sau đó thở ra và cúi đầu về phía trước. Hai lòng bàn tay áp xuống đất để cảm nhận sự kéo dài ở lưng và vai.
  • Nhẹ nhàng thu tay lại và quay trở về tư thế quỳ.

3.3. Kéo giãn gân kheo

Bài tập kéo giãn gân kheo sẽ làm giải phóng căng thẳng ở vùng lưng, chân và mông. Từ đó giúp giảm đau và duy trì sự linh hoạt của các cơ xương nằm xung quanh dây thần kinh tọa.

  • Đứng thẳng người và để một cái ghế cố định ở bên cạnh.
  • Nâng chân trái lên và đặt trên ghế sao cho giữ chân thẳng và đảm bảo các ngón chân hướng lên trên trần nhà.
  • Nhẹ nhàng gập người về phía trước để kéo căng cơ gân kheo và giữ tư thế này trong vòng 30 giây.
  • Từ từ đưa chân trở về trạng thái ban đầu và lặp lại động tác tương tự cho chân còn lại.

3.4. Massage lưng dưới

Nhẹ nhàng massage phần dưới của lưng sẽ giúp giảm tình trạng khó chịu ở xung quanh dây thần kinh tọa. Phụ nữ mang thai cần thực hiện động tác massage một cách nhẹ nhàng và nên dừng lại nếu cảm thấy đau. Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu có thể thử nằm trên sàn nhà với vài quả bóng tennis ở dưới lưng và lăn nhẹ nhàng xung quanh.

Đối với giai đoạn thứ 2 và 3 của thai kỳ, mẹ bầu có thể thực hiện động tác massage bằng cách đứng hoặc ngồi dựa lưng vào tường. Lấy 1 quả bóng tennis để phía sau lưng rồi di chuyển nhẹ nhàng. Tốt nhất là bạn nên nhờ 1 người có kinh nghiệm về massage cho bà bầu hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để thực hiện.

Đau thần kinh tọa khi mang thai
Thực hiện vài động tác massage, bấm huyệt sẽ giúp cải thiện các cơn đau do bệnh gây ra

Biện pháp phòng ngừa chứng đau thần kinh tọa khi mang thai

Để giảm nguy cơ đau lưng dưới và phòng ngừa chứng đau thần kinh tọa khi mang thai, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi mỗi khi bị đau.
  • Giữ tư thế tốt và thoải mái khi ngồi, đặc biệt là ở máy tính. Bạn có thể thử đặt một chiếc gối để hỗ trợ ở phía sau ghế.
  • Khi ngủ thì nên nằm trên giường phẳng và nằm nghiêng sang một bên không bị đau nhằm giúp làm giảm áp lực cho dây thần kinh.
  • Thường xuyên đứng lên và đi lại ít nhất là 1 tiếng một lần nếu bạn làm công việc văn phòng, tránh ngồi quá lâu.
  • Trong thời gian mang thai tuyệt đối không được làm việc quá độ, khuân vác nặng nhọc hoặc chơi thể thao quá sức.
  • Đối với thai quá to thì bạn nên sắm cho mình một cái đai nâng bụng để đeo. Bởi vật dụng này rất hữu ích trong việc làm giảm áp lực từ tử cung và thai nhi lên dây thần kinh tọa.
  • Thiết lập chế độ ăn uống khoa học với nhiều rau xan, trái cây bằng cách bổ sung vào thực đơn các loại thực phẩm giàu magie như chuối, bơ, đậu hũ, ngũ cốc,… Hạn chế ăn đồ ngọt và chất béo để tránh tăng cân, hạn chế được nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa.

Hy vọng những thông tin chia sẻ trên giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề đau thần kinh tọa khi mang thai. Đau thần kinh tọa trong thai kỳ có thể không cần điều trị mà người bệnh có thể cải thiện bằng cách nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên bạn cũng nên đến thăm khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.