[Cảnh báo] Đau vai gáy ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không?
Trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng, đau vai gáy chỉ xảy ra ở người trung và cao tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này đang ngày càng trẻ hóa. Theo các chuyên gia, đau vai gáy ở tuổi dậy thì thường là hệ quả do tư thế xấu, xương khớp phát triển quá nhanh. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng hoặc do căng thẳng quá mức. Vậy đau vai gáy ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không? Hãy cùng tham khảo tư vấn của các chuyên gia nhé!
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì và dấu hiệu nhận biết
Đau vai gáy là hội chứng rối loạn cơ và xương thường gặp nhất. Tình trạng này ảnh hưởng đến tất cả mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trung niên, cao tuổi và người làm công việc văn phòng. Tuy nhiên, đau mỏi vai gáy cũng có thể xảy ra ở tuổi dậy thì.
Dấu hiệu nhận biết đau mỏi vai gáy ở tuổi dậy thì:
- Vùng cổ, vai và gáy xuất hiện cơn đau có mức độ âm ỉ đến dữ dội
- Cơn đau thường có mức độ nhẹ, đau âm ỉ nhưng dai dẳng
- Hoặc cũng có thể bùng phát đột ngột gây ra cảm giác nhức nhối, điện giật
- Cơn đau đi kèm với hiện tượng tê cứng cổ, chi trên tê bì và giảm khả năng vận động
- Mức độ cơn đau có xu hướng tăng lên đáng kể khi vận động mạnh, xoay người đột ngột, khi ho, hắt hơi, nhiễm lạnh
- Ở một số trường hợp, trẻ còn có thể bị tê bì tay và bả vai
Nguyên nhân gây đau vai gáy ở tuổi dậy thì
Thực tế, rối loạn cơ xương ở vùng cổ, vai và gáy thường bắt nguồn từ tư thế xấu và ảnh hưởng của các bệnh xương khớp mãn tính như thoái hóa cột sống, thoái vị đĩa đệm, hẹp ống sống, gai cột sống,… Tuy nhiên ở độ tuổi dậy thì, hội chứng này còn có thể bùng phát do nhiều nguyên nhân khác.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy ở độ tuổi dậy thì:
1. Do hệ thống xương phát triển quá nhanh
Dậy thì là giai đoạn cơ thể phát triển mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở giai đoạn này (12 – 18 tuổi), trẻ có thể tăng từ 10 – 15cm/ năm. Sự phát triển chiều cao đột ngột trong giai đoạn này là nhờ hoạt động của các hormone tăng trưởng như steroid sinh dục, IGF-1 và các receptor của các hormone.
Tuy nhiên, hệ thống xương phát triển quá nhanh có thể gây ra rối loạn cơ ở vùng cổ, vai và gáy. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng đau mỏi vai gáy ở trẻ trong độ tuổi dậy thì.
2. Tư thế xấu
Tư thế xấu là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau mỏi vai gáy ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả giai đoạn tuổi dậy thì. Hơn nữa, đa phần trẻ trong giai đoạn này vẫn chưa ý thức được việc phải giữ tư thế đúng khi ngồi, đứng để bảo vệ cột sống và hạn chế các vấn đề xương khớp như người trưởng thành. Chính vì vậy, cơ – xương ở vùng cổ, vai và gáy có thể bị rối loạn, dẫn đến đau nhức kèm tê bì, dị cảm.
Các tư thế xấu có thể gây đau vai gáy ở tuổi dậy thì, bao gồm:
- Ngồi học sai tư thế, cổ lệch vẹo, lưng cong và vai không cân đối
- Cúi cổ liên tục trong một thời gian dài
- Nằm xem tivi
- Kê gối quá thấp hoặc quá cao
3. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Trong một số trường hợp, đau vai gáy ở tuổi dậy thì có thể xảy ra do thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D, vitamin C và vitamin nhóm B. Các thành phần dinh dưỡng này có vai trò quan trọng đối với chức năng của hệ thần kinh, cơ bắp và xương khớp. Vì vậy, việc thiếu hụt một trong những vi chất dinh dưỡng này có thể là nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy ở tuổi dậy thì.
4. Chấn thương sau khi chơi thể thao
Chơi thể thao có thể gây đau nhức cổ vai gáy ở tuổi dậy thì. Các bộ môn phải vận động cổ nhiều như golf, bơi lội, bóng đá, võ thuật, tennis,… có thể khiến dây chằng và các khối cơ ở vùng cổ – vai bị rối loạn, dẫn đến đau nhức.
Tình trạng này còn có thể xảy ra do trẻ tập thể dục sai cách khiến cột sống cổ phải chịu áp lực lớn, dễ bị tổn thương và bùng phát cơn đau kèm theo một số triệu chứng như cứng cổ, tê bì.
5. Áp lực từ việc học tập
Ngoài những nguyên nhân trên, đau vai gáy ở tuổi dậy thì còn có thể là hệ quả do áp lực từ việc học tập. Theo các chuyên gia, trẻ ở độ tuổi này phải học tập với cường độ cao nên rất dễ xảy ra tình trạng stress, căng thẳng thần kinh và khó ngủ.
Các yếu tố này đều làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn lên não, kích thích phản ứng co thắt quá mức ở vùng cổ và vai. Vì vậy nếu bị căng thẳng kéo dài, trẻ ở độ tuổi dậy thì rất dễ bị đau mỏi vai gáy.
Đau mỏi vai gáy ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không?
Đau mỏi vai gáy ở tuổi dậy thì là tình trạng khá phổ biến. Tình trạng này thường khởi phát trong thời gian ngắn và có thể thuyên giảm nhanh chóng nếu chăm sóc đúng cách. Trẻ có độ tuổi dậy thì có hệ thống xương khớp khỏe mạnh và dẻo dai. Do đó, tình trạng đau mỏi vai gáy ở những đối tượng này dễ cải thiện hơn so với người trung niên và người cao tuổi.
Tuy nhiên nếu không xử lý sớm, trẻ có thể phải đối mặt với những ảnh hưởng sau:
- Cổ vai gáy đau nhức nhiều gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, học tập
- Tăng nguy cơ thiếu máu não
- Ảnh hưởng đến khả năng tập trung, trí nhớ và kết quả học tập của trẻ
Đau mỏi vai gáy ở hội chứng rối loạn cơ xương khá phổ biến. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng hội chứng này tác động không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý các biểu hiện của con trẻ và áp dụng các biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Khắc phục chứng đau vai gáy ở tuổi dậy thì
Đau vai gáy là tình trạng rối loạn cơ xương dễ cải thiện – nhất là đối với trẻ ở tuổi dậy thì. Thống kê cho thấy, đa phần các trường hợp đều thuyên giảm rõ rệt sau khi áp dụng một số biện pháp chăm sóc và khắc phục tại nhà.
Dưới đây là một số cách khắc phục chứng đau mỏi vai gáy ở tuổi dậy thì:
1. Thực hiện mẹo giảm đau đơn giản
Đau mỏi vai gáy có thể khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và hiệu suất học tập. Vì vậy phụ huynh nên khuyến khích trẻ thực hiện một số biện pháp giảm đau an toàn như:
- Chườm ấm: Chườm ấm vùng cổ là biện pháp giảm đau nhức an toàn và hiệu quả. Nhiệt độ ấm từ túi chườm có thể làm giãn mao mạch, cải thiện tình trạng cơ co thắt quá mức và làm dịu cơn đau nhanh chóng. Ngoài ra, chườm ấm còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và giải phóng căng thẳng.
- Massage vùng cổ: Ngoài biện pháp chườm ấm, bạn cũng có thể massage vùng cổ cho trẻ để giảm đau nhức. Tác động từ phương pháp này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Khi massage cổ, bạn có thể kết hợp với một số tinh dầu nóng như khuynh diệp, dầu gừng,…
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm là một trong những mẹo giảm đau vùng cổ vai gáy đơn giản. Biện pháp này giúp đưa nhiệt độ ấm vào sâu bên trong các khối cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm dịu sự dẫn truyền thần kinh. Ngoài tác dụng giảm đau nhức, tê bì, tắm nước ấm còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giải tỏa stress, căng thẳng.
Thực tế, đa phần các trường hợp đau mỏi vai gáy ở độ tuổi dậy thì đều thuyên giảm sau khi áp dụng các mẹo chữa đơn giản trên. Tuy nhiên, bạn vẫn nên khuyên khích trẻ thực hiện thêm một số biện pháp nhằm cải thiện mức độ cơn đau và phòng ngừa bệnh tái phát.
2. Tập thể dục thường xuyên
Trong giai đoạn dậy thì, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tập thể dục và chơi thể thao thường xuyên. Hoạt động thể chất trong giai đoạn này giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa, hạn chế tình trạng đau nhức xương khớp và phòng ngừa được các rối loạn cơ xương ở vùng cổ, vai, gáy. Tuy nhiên khi chơi thể thao, cần dặn dò trẻ chơi đúng tư thế, tránh các hoạt động đòi hỏi phải vận động cổ và khớp vai quá thường xuyên.
Theo các chuyên gia, trẻ ở trong độ tuổi dậy thì nên chơi các môn thể thao như bóng rổ, bơi lội, chạy bộ, đạp xe, yoga,… để kích thích xương phát triển. Tránh các bộ môn có cường độ nặng như nâng tạ.
3. Thay đổi các tư thế xấu
Như đã đề cập, tư thế xấu là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau vai gáy ở tuổi dậy thì. Vì vậy để khắc phục hoàn toàn tình trạng này, bạn nên hướng dẫn trẻ thay đổi một số thói quen xấu như:
- Tránh kê gối quá cao hoặc quá cứng/ mềm khi ngủ. Nên lựa chọn gối có độ cao vừa phải để tránh gây áp lực lên vùng cổ khi ngủ.
- Hạn chế nằm chống cằm xem ti vi hay đọc sách. Thói quen này có thể làm tăng nguy cơ đau nhức lưng và cổ vai gáy.
- Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế và nên khuyến khích trẻ đi lại nhẹ nhàng từ 5 – 10 phút sau 1 – 2 giờ học tập.
- Hạn chế tối đa các hoạt động tác động trực tiếp lên vùng cổ như cúi/ ngửa cổ quá lâu, xoay cổ thường xuyên,…
Việc thay đổi các tư thế xấu không chỉ giúp giảm tình trạng đau nhức và một số triệu chứng đi kèm ở vùng cổ, vai và gáy mà còn giúp phòng ngừa đau mỏi vai gáy tái phát.
4. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Dậy thì là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về chiều cao, thể chất và tuyến sinh dục. Vì vậy trong giai đoạn này, phụ huynh nên xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh để trẻ phát triển chiều cao tối đa và hạn chế tình trạng đau mỏi vai gáy do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Cách xây dựng thực đơn ăn uống cho trẻ ở độ tuổi dậy thì:
- Khác với người trưởng thành, trẻ ở độ tuổi dậy thì cần hàm lượng chất đạm dồi dào. Theo các chuyên gia, chất đạm phải chiếm 14 – 15% hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Vì vậy, bạn nên bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, phô mai, tôm, cua, cá, thịt, nấm, đậu,… để trẻ có đủ protein để phát triển và cải thiện sức mạnh cơ bắp.
- Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như canxi, rau xanh, trái cây, các loại dầu thực vật, hạt, đậu,…
- Cung cấp khoảng 60 – 70% tinh bột cho bữa ăn hằng ngày của trẻ. Tinh bột cung cấp nguồn năng lượng dồi dào giúp cơ thể khỏe mạnh và có đủ sức khỏe để học tập, phát triển.
- Đừng quên dặn dò trẻ uống đủ 1.5 – 2 lít nước/ ngày. Uống đủ nước giúp đảm bảo các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể và hỗ trợ cân bằng điện giải.
5. Sử dụng thuốc không kê toa
Trong một số trường hợp, đau mỏi vai gáy có thể không thuyên giảm khi áp dụng các mẹo giảm đau đơn giản. Trong trường hợp này, bạn có thể cho trẻ sử dụng một số loại không kê toa như:
- Cao dán Salonpas: Cao dán Salonpas là loại thuốc giảm đau tại chỗ chứa thành phần chính là Menthol 5.71% và Methyl Salicylate 6.29%. Thuốc có tác dụng chính là làm mát và giảm đau nhức. Loại thuốc này thường được dùng để giảm tình trạng đau mỏi vai gáy do tư thế xấu và chấn thương nhẹ sau khi chơi thể thao.
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng khá phổ biến. Loại thuốc này có thể dùng cho trẻ ở độ tuổi dậy thì và được đánh giá tương đối an toàn ở liều điều trị. Nếu cần thiết, phụ huynh có thể cho trẻ dùng Paracetamol trong 2 – 3 ngày để cải thiện cơn đau ở vùng cổ vai gáy. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Capsaicin gel: Capsaicin gel là thuốc giảm đau được bào chế ở dạng bôi. Thành phần chính của thuốc là chiết xuất từ quả ớt có tác dụng ức chế dẫn truyền thần kinh, từ đó làm giảm mức độ thụ cảm cơn đau. Loại thuốc này được sử dụng ở dạng dùng ngoài nên tương đối an toàn đối với trẻ ở độ tuổi dậy thì.
Các loại thuốc không kê toa có thể làm giảm cơn đau ở vùng cổ, vai và gáy nhanh chóng. Hầu hết các loại thuốc này đều an toàn với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau không kê toa trong 2 – 3 ngày. Nếu triệu chứng không thuyên giảm, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế trong trường hợp cần thiết.
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì – Khi nào tìm gặp bác sĩ?
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì là tình trạng tương đối phổ biến. Nếu kịp thời can thiệp các biện pháp khắc phục, tình trạng này có thể thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau vai gáy có thể tiến triển dai dẳng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:
- Đau mỏi vai gáy có mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng học tập và giấc ngủ của trẻ
- Đau vai gáy đi kèm với các triệu chứng bất thường như đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực,…
- Tình trạng đau vai gáy không thuyên giảm sau khi dùng thuốc và áp dụng các biện pháp tại nhà
Đau vai gáy ở tuổi dậy thì là tình trạng khá phổ biến và hoàn toàn có thể khắc phục bằng một số biện pháp cải thiện tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng tiếp tục kéo dài, phụ huynh nên cân nhắc đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.