Bệnh gai cột sống: Phương pháp chẩn đoán + điều trị hiệu quả
Gai cột sống gây ra những cơn đau tại vùng cổ, thắt lưng, tay chân và có thể dẫn đến bại liệt. Chẩn đoán sớm sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả.
Căn bệnh gai cột sống không chỉ gặp ở người cao tuổi mà người trẻ cũng rất dễ mắc phải. Cùng tìm hiểu nội dung bài viết để hiểu hơn về căn bệnh này nhé.
Bệnh gai cột sống là gì?
Bệnh gai cột sống là hiện tượng cột sống xuất hiện các phần gai xương (phần xương) mọc ra phía ngoài và hai bên. Người bệnh bị đau nhức dữ dội khi các mảnh xương nhô ra chèn ép lên các dây thần kinh.
Gai cột sống không cố định một vị trí mà có thể hình thành tại nhiều điểm khác nhau trên xương sống. Trong đó gai cột sống cổ và gai cột sống thắt lưng là hai trường hợp thường gặp.
- Gai cột sống cổ: Người bệnh sẽ không phát hiện được bệnh sớm do giai đoạn đầu ít có triệu chứng rõ ràng. Chỉ có thể nhận biết bệnh thông qua phim chụp X – quang. Dựa trên biểu hiện: Chiều cao đĩa đệm thay đổi, mọc ra những mẩu xương, gai trắng ở đốt sống và bị xơ cứng.
- Gai cột sống thắt lưng: Thắt lưng là phần chịu nhiều áp lực do trọng lượng của cơ thể đổ dồn vào, chính vì thế vị trí này thường bị thoái hóa. Người bệnh gai cột sống thắt lưng sẽ thấy đau khi di chuyển, xoay hông,… Nếu gai xương phát triển nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng tê, ngứa ở vùng mông, chân và bàn chân.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh gai cột sống
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh gai cột sống, trong đó có một số nguyên nhân chính như:
- Tuổi tác: Khi tuổi tác càng cao, cơ thể ngày càng lão hóa dẫn đến cột sống cũng bị ảnh hưởng theo. Chính vì thế bệnh gai cột sống thường gặp ở người lớn tuổi.
- Thói quen sinh hoạt: Người thường xuyên mang vác nặng, ngồi hoặc đứng quá lâu, vận động, nghỉ ngơi sai tư thế dẫn đến những tổn thương cột sống.
- Viêm xương khớp: Tế bào tạo thêm xương bị kích thích do viêm xương khớp, làm cho bề mặt xương nhô ra ngày càng nhiều, hình thành gai do xương bị dư thừa.
- Lắng đọng canxi: Hiện tượng chùng giãn dây chằng do đĩa đệm cột sống bị xẹp xuống gây ra những chuyển động khớp. Khi đó, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách làm cho dây chằng dày lên để giữ vững cột sống, dẫn đến hình thành gai.
- Nguyên nhân do bị chấn thương: Khi bị va chạm, cọ xát dẫn đến xương bị chấn thương, lúc này gai cột sống sẽ hình thành dựa trên việc xương tự tu bổ.
- Thoái hóa cột sống: Đây cũng là nguyên nhân gây ra bệnh gai cột sống. Gai hình thành và phát triển dựa trên sự biến đổi hình thái của cột sống và các tổ chức xung quanh đĩa đệm. Tình trạng thoái hóa diễn ra kéo theo sự hình thành gai xương cột sống. Người bệnh nếu muốn loại bỏ gai xương thì phải kiểm soát được sự thoái hóa.
Triệu chứng bệnh gai cột sống
Triệu chứng của bệnh gai cột sống thường không rõ ràng nên người bệnh khó nhận biết ngay từ giai đoạn đầu. Khi xuất hiện những cơn đau đớn kéo dài, lúc này thì bệnh đã tiến triển khá lâu.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi thấy những dấu hiệu sau, để có những biện pháp chữa trị kịp thời:
- Đau buốt ở cổ và thắt lưng: Dấu hiệu đầu tiên là hiện tượng mỏi cột sống lưng, cổ, có cảm giác đơ, cứng. Lâu dần cảm giác đau buốt ngày càng nhiều, người mắc bệnh đi đứng, vận động khó khăn. Những cơn đau càng tăng khi hoạt động nhiều, chỉ giảm khi người bệnh được nghỉ ngơi.
- Mất cân bằng: Dấu hiệu đau kèm theo mất cân bằng cơ thể là biểu hiện của bệnh gai cột sống. Lúc này bạn sẽ thấy mệt mỏi, lười vận động khiến máu huyết không được lưu thông, làm cho tình trạng đau càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đau và mất cảm giác lan ra các chi: Gai cột sống cổ khi đã chuyển nặng cơn đau lan ra hai tay, gai cột sống lưng ảnh hưởng dọc xuống hai chân. Cơ bắp yếu dần, rễ thần kinh bị ảnh hưởng khiến cho người bệnh bị tê bì chân tay, mất cảm giác, có trường hợp không đi lại được.
- Đại tiểu tiện bị mất kiểm soát: Dấu hiệu này xuất hiện khi bệnh đã chuyển biến nặng, người mắc bệnh không thể tự kiểm soát được việc đi đại tiểu tiện. Nguyên nhân là do sự thu hẹp của đường ống dẫn tủy.
- Rối loạn thần kinh: Không những gây mất kiểm soát trong đại tiểu tiện, người bệnh còn có những biểu hiện khác liên quan đến dây thần kinh khi bị chèn ép như: tăng tiết mồ hôi, tụt huyết áp, khó thở,…
- Những biểu hiện khác kèm theo: Cơ thể mệt mỏi, vận động khó khăn, giảm ký, mất cảm giác ở nơi có gai xương,…
Phương pháp chẩn đoán gai cột sống
- Xét nghiệm điện học: Chẩn đoán bằng điện học là cách xác định mức độ chấn thương của dây thần kinh cột sống, thông qua việc gửi tín hiệu thần kinh đến não hay các chi để xác định, cũng như có thể loại trừ những nguyên nhân khác.
- Chụp X – quang: Đây là cách chẩn đoán giúp xác định vị trí của xương bị tổn thương, kiểm tra mức độ bị ảnh hưởng và những thay đổi của khớp và gai xương. Chụp X – quang là phương pháp chẩn đoán thông dụng nhất, kết quả của phương pháp này sẽ xác định được vị trí gai xương, chiều cao của đĩa đệm và những thay đổi bất thường của cột sống.
- Xét nghiệm máu: Việc này giúp loại trừ các bệnh lý khác dẫn đến đau cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cách này giúp xác định có sự chèn ép của thần kinh cột sống không, cũng như kiểm tra đĩa sụn có bị tổn thương không.
- Chụp CT scan: Đây là phương pháp chẩn đoán gai cột sống bằng hình ảnh chi tiết của cấu trúc xương sống, nhận thấy rõ được mức độ thần kinh bị chèn ép.
Cách điều trị bệnh gai cột sống
Nhiều người cho rằng bệnh gai cột sống rất khó điều trị và cơ hội chữa lành rất thấp. Tuy nhiên, căn bệnh này trên thực tế có khả năng trị dứt điểm hoàn toàn khi áp dụng phương pháp phù hợp.
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh được áp dụng như:
Sử dụng thuốc giảm đau
Sử dụng thuốc giảm đau được bệnh nhân gai cột sống nghĩ đến đầu tiên. Cách này giúp làm giảm những cơn đau nhức, tê bì chân tay hiệu quả.
Một số thuốc được bác sĩ khuyên dùng: Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac, nhóm Vitamin B (B1, B2, B6,…) và nhóm Corticoid.
- Thuốc giảm đau Paracetamol: Thuốc có tác dụng ức chế tốt các cơn đau nhức do gai cột sống gây ra cũng như các bệnh về xương khớp khác. Đồng thời giảm dẫn truyền cảm giác đau đến nào, kháng viêm và chống nhiễm trùng.
- Thuốc giảm đau NSAIDs (non – steroid): Uống sau khi ăn no, thuốc có tác dụng giảm đau nhức gai cột sống hiệu quả.
- Eperisone HCL: Thuốc có tác dụng giãn cơ, mạch, tạo sự linh hoạt trong việc co giãn cho dây chằng quanh cột sống. Nhờ đó làm giảm cơn đau, giúp người bệnh dễ chịu, thoải mái hơn.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Phẫu thuật chữa gai cột sống
Phẫu thuật chữa gai cột sống là cách điều trị hiệu quả, những ca giải phẫu thành công chiếm đến 85% theo thống kê y tế. Trong quá trình mổ không gây ra đau nhức cho người bệnh. Mặc dù vậy, phương pháp này chỉ nên áp dụng khi các cách điều trị khác không cho được kết quả tốt.
Các phương pháp mổ gai cột sống:
- Phương pháp mổ hở:
Đây là biện pháp truyền thống được áp dụng phổ biến từ trước đến nay. Phương pháp này nhằm loại bỏ tác động chèn ép của cột sống lên các rễ thần kinh, tránh tình trạng gây biến dạng, viêm cột sống,…
Tuy nhiên, mổ hở có thể gây ra những biến chứng hậu phẫu nguy hiểm cho người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh phải chịu đau đớn kéo dài, mất máu, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cao, các mô mềm xung quanh dễ tổn thương, trường hợp xấu phải làm phẫu thuật lại.
- Phương pháp mổ nội soi:
Bằng cách rạch một vết ngắn sau lưng bệnh nhân, tại vị trí cột sống thoái hóa. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống banh nội soi vào bên trong cơ thể, qua kính hiển vi phẫu thuật nhìn rõ được cấu trúc bên trong cột sống, sau đó tìm cách điều trị can thiệp chính xác nhất.
- Phương pháp cố định cột sống thắt lưng:
Trường hợp bệnh chuyển biến nặng, đĩa đệm bắt đầu lệch ra ngoài, cột sống biến dạng thì bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp mổ cố định cột sống. Bằng cách hàn nối loại bỏ phần thừa đĩa đệm từ các mảnh ghép xương.
Cột sống được nắn chỉnh lại hình dạng ban đầu nhờ phương pháp này. Người bệnh sau phẫu thuật có thể di chuyển, vận động dễ dàng hơn.
- Phương pháp dùng tia laser
Phương pháp này được áp dụng dựa trên nguyên lý dùng năng lượng từ tia laser làm giảm áp suất đĩa đệm, nhờ đó sự chèn ép lên rễ dây thần kinh tại cột sống được giảm thiểu. Đây là phương pháp giải phẫu không xâm lấn, không gây đau và không để lại sẹo.
- Phương pháp bắt vít qua da:
Đây được coi là phương pháp phẫu thuật có sự xâm lấn hạn chế nhất. Nhờ phương pháp này các cơ và mô mềm xung quanh ít bị tổn thương. Bác sĩ phẫu thuật bằng đường rạch nhỏ, không gây mất máu, giúp thời gian hồi phục nhanh hơn.
Cũng chính vì hạn chế xâm lấn nên phương pháp này giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, người bệnh có thể vận động sau vài ngày, rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí.
Tùy theo phương pháp phẫu thuật sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau. Để tránh những trường hợp biến chứng xảy ra người bệnh cần kiểm tra ngay khi thấy những biểu hiện bất thường. Ngăn chặn, chữa trị bệnh sớm sẽ mang lại kết quả khả quan, hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.
Giải pháp vật lý trị liệu gai cột sống
Phương pháp này là cách hiệu quả và an toàn để chữa gai cột sống. Tập vật lý trị liệu giúp kéo giãn cột sống, lưu thông khí huyết và giảm đau.
Trường hợp phát hiện sớm, bệnh nhân chữa trị bằng phương pháp này sẽ nhanh khỏi và có khả năng ngăn ngừa bệnh tái phát. Vật lý trị liệu làm tăng khả năng phục hồi, hạn chế những biến chứng nguy hiểm do thuốc tây gây ra.
Các phương pháp vật lý trị liệu:
Kéo giãn cột sống bằng máy DTS: Phương pháp thường được sử dụng trong điều trị thoái hóa cột sống. Bằng sự trợ giúp của máy, bệnh nhân được kéo giãn các cơ, mở rộng lỗ liên hợp, từ đó thúc đẩy đĩa đệm trở về vị trí ban đầu, tránh gây chèn ép lên các gốc rễ thần kinh.
Phương pháp điện trị liệu:
- Sóng ngắn: Sử dụng sóng ngắn để tăng tuần hoàn máu, phục hồi vùng bị tổn thương, giảm nhanh cơn đau.
- Kích thích điện: Đường dẫn truyền thần kinh não bị ức chế nhờ sử dụng kích thích điện, giúp giảm những cơn đau thắt.
- Siêu âm: Biện pháp này giúp tăng cường tuần hoàn máu, nuôi dưỡng sâu các mô cơ.
- Laser cường độ cao: Gây tê bằng tia laser giúp kích thích mô cơ tái tạo, giảm đau mỏi.
Phương pháp massage trị liệu: Phương pháp này sử dụng các biện pháp bấm huyệt, xoa bóp tác động lên những vùng bị tổn thương do gai cột sống. Nhờ đó, giúp kích thích máu lưu thông, thư giãn cơ, hạn chế tình trạng đau nhức do rễ thần kinh bị chèn ép.
Vận động trị liệu: Áp dụng các bài tập trị liệu có khả năng phục hồi đĩa đệm, cải thiện vận động. Phương pháp này còn giúp tăng độ đàn hồi cho các khớp cơ, đốt sống, làm chậm quá trình lão hóa.
Cấy chỉ: Vốn có nguồn gốc từ châm cứu truyền thống nhưng được cải tiến hơn. Biện pháp này sử dụng chỉ tự tiêu lên các huyệt vị dựa trên các tác động cơ học, làm giảm đau, phục hồi tổn thương cột sống. Kết hợp với các phương pháp bảo tồn khác, cấy chỉ được áp dụng nhằm hạn chế việc lạm dụng thuốc, phục hồi chức năng cột sống tự nhiên.
Chữa bệnh gai cột sống bằng các bài thuốc dân gian
Ngoài điều trị bằng thuốc Tây, sử dụng các bài thuốc nam cũng được nhiều người bệnh lựa chọn. Nguyên liệu dễ tìm, dễ thực hiện nên người bệnh có thể áp dụng tại nhà.
Gợi ý một số bài thuốc chữa gai cột sống
- Dùng hạt đười ươi chữa gai cột sống: Hạt đười ươi có tính hàn, vị ngọt, tác dụng thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, làm lành nhanh vết thương, hiệu quả trong việc chữa trị gai cột sống. Cách dùng: Uống hạt đười ươi bỏ vỏ, tách hạt với nước đường mỗi ngày, có thể uống liên tục trong 2 – 3 tuần sẽ giảm được cơn đau.
- Dùng cây ngải cứu chữa bệnh gai cột sống: Đây là loại thảo dược có tác dụng giảm đau, kháng viêm tốt, ngoài ra nó còn có khả năng chống lão hóa cao, rất thích hợp cho người bị gai cột sống. Cách dùng: Rửa sạch 500g ngải cứu, giã nát, lọc lấy nước và trộn thêm một ít mật ong để uống. Cơn đau sẽ thuyên giảm trong khoảng 10 ngày sử dụng.
- Dùng đu đủ xanh để chữa gai cột sống: Đu đủ xanh có chứa hợp chất papain, có tác dụng làm mềm cơ, giảm tê bì chân tay hiệu quả. Cách dùng: Đu đủ xanh cắt phần đầu, rửa sạch, cho rượu vào bên trong đến ⅔ quả và đem hấp cách tủy. Dùng nước sau khi thu được thoa trực tiếp lên vùng bị đau. Cách này có thể áp dụng mỗi ngày sẽ thấy được những chuyển biến rõ rệt.
Khi sử dụng phương pháp dân gian cần chú ý đến vấn đề vệ sinh, không áp dụng cùng lúc nhiều bài thuốc để hạn chế tác dụng phụ. Tốt nhất người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ Đông y để có cách chữa trị phù hợp.
Cách phòng chống bệnh gai cột sống
Để phòng ngừa bệnh gai cột sống, bạn nên:
- Chú ý đến tư thế, không ngồi, đứng quá lâu.
- Chú ý đến cân nặng, tránh tăng cân quá nhiều dẫn đến béo phì, tăng tải lực đối với cột sống.
- Hạn chế khuân vác quá nặng hoặc chơi những môn thể thao quá sức. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên nên lựa chọn những môn phù hợp với sức khỏe.
- Duy trì cân nặng cân đối, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không ăn thường xuyên thức ăn chứa nhiều canxi như tôm, cua, các loại thịt đỏ,..Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất có trong rau, củ, quả, uống đủ nước.
- Sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, sử dụng đệm mềm mại để thư giãn cột sống, chú ý tư thế khi ngồi và nằm.
- Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, những đồ uống có cồn.
Bệnh gai cột sống có những biểu hiện lâm sàng khó phân biệt với các loại đau cơ khác. Chính vì thế, người bệnh cần đến kiểm tra tại các cơ sở y tế khi thấy những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Có biện pháp chữa trị kịp thời sẽ ngăn ngừa nguy cơ tái phát và tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị
- Viêm khớp dạng thấp là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và điều trị