Hội chứng ống cổ tay: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viế dưới đây. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lý này gặp nhiều ở nữ giới và thường có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp. Nếu không xử lý kịp thời, dây thần kinh có thể bị tổn thương nặng, dẫn đến chứng teo cơ và giảm khả năng vận động.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome) hay còn gọi là hội chứng chèn ép thần kinh giữa và hội chứng đường hầm cổ tay. Đây là một trong những dạng rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất. Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép, dẫn đến giảm chức năng vận động và rối loạn cảm giác.
Dây thần kinh giữa nằm bên trong ống cổ tay, chạy dưới dây chằng ngang và được bao quanh bởi gân gấp các ngón tay. Khi áp lực trong ống cổ tay tăng lên, dây thần kinh giữa là yếu tố bị chèn ép trực tiếp và gây ra hội chứng ống cổ tay. Dây thần kinh giữa có chức năng hỗn hợp, tức là vừa đảm nhiệm vai trò vận động vừa có vai trò cảm giác. Chính vì vậy khi bị hội chứng ống cổ tay, bệnh nhân thường bị đau nhức đi kèm với các rối loạn cảm giác.
Thống kê cho thấy, hội chứng này thường gặp ở nữ giới (gấp 4 lần so với nam giới) và có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp – đặc biệt là người làm công việc văn phòng. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng hội chứng ống cổ tay có thể dẫn đến teo cơ, giảm chức năng vận động và tàn tật nếu không thăm khám và điều trị sớm.
Biểu hiện, triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Dây thần kinh giữa giữ chức năng cảm giác và vận động. Vì vậy khi cơ quan này bị chèn ép, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Bệnh nhân bị đau các vùng chi phối của dây thần kinh giữa (bao gồm ngón cái, ngón trỏ, giữa và áp út, hầu như không đau ở ngón út)
- Đi kèm với hiện tượng dị cảm đầu chi (cảm giác đau nhói đột ngột, rát bỏng và tê rần)
- Theo thời gian, cảm giác đau rát có thể lan dần lên phần cẳng tay hoặc thậm chí lan lên đến phần bắp tay, vai và ngực
- Cơn đau có tính chất cơ học – đau nhiều khi duỗi, gấp cổ tay và mức độ đau hơn vào ban đêm (do nhiệt độ lạnh làm giảm không gian trong ống cổ tay)
- Lâu dần cơ mô cái bị teo dẫn đến yếu chi và giảm khả năng cầm nắm, thường xuyên đánh rơi đồ vật đang cầm
- Thỉnh thoảng có cảm giác như điện giật ở các đầu ngón tay
- Bệnh nhân cảm nhận cơ lực bàn tay yếu dần theo thời gian
Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay
Dây thần kinh giữa nằm gọn trong ống cổ tay, được bao quanh bởi dây chằng ngang và gân gấp các ngón tay. Chính vì vậy khi có áp lực (thường do gấp duỗi cổ tay liên tục trong một thời gian dài hoặc quá mức), gân gấp có thể bị viêm và chèn ép lên mạch máu đi kèm với dây thần kinh.
Lâu dần gây thiếu máu màng ngoài dây thần kinh, rối loạn dẫn truyền sợi trục và làm bùng phát các triệu chứng lâm sàng do tổn thương dây thần kinh giữa.
Theo các chuyên gia Cơ xương khớp, hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến nhất, bao gồm:
- Bất thường về giải phẫu ống cổ tay: Các bất thường về giải phẫu ống cổ tay như ống cổ tay nhỏ bẩm sinh, gân gấp bất thường,… có thể làm tăng áp lực bên trong ống cổ tay và gây tổn thương dây thần kinh giữa.
- Nhiễm trùng: Thực tế, hội chứng ống cổ tay cũng có thể xảy ra do nhiễm trùng mô mềm và xương khớp. Các bệnh lý do nhiễm trùng như Lyme, Mycobacterium, nhiễm trùng khớp,… có thể gây viêm dây chằng ngang và các gân gấp ngón tay. Từ đó làm tăng áp lực và gây chèn ép dây thần kinh giữa.
- Các rối loạn chuyển hóa: Các bệnh chuyển hóa như Acromegaly, tiểu đường, nhược giáp, suy tim sung huyết, béo phì, Amyloidosis, phù,… có thể làm tăng áp lực bên trong ống cổ tay và gây chèn ép dây thần kinh giữa.
- Bệnh mô liên kết: Hội chứng ống cổ tay còn có thể là hệ quả do viêm khớp dạng thấp, viêm bao gân gấp không đặc hiệu, bệnh gout và giả gout. Các bệnh lý này có xu hướng gây viêm gân và mô mềm bao xung quanh khớp khiến áp lực giữa ống cổ tay tăng lên đáng kể và dẫn đến tổn thương dây thần kinh giữa.
- Chấn thương: Chấn thương cơ học (trật khớp cổ tay, gãy cổ tay,…) có thể làm thay đổi giải phẫu ống cổ tay và làm tăng áp lực lên dây thần kinh giữa. Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp bị hội chứng ống cổ tay sau khi chấn thương.
- Rối loạn cân bằng điện giải: Rối loạn cân bằng điện giải có thể gây ra tình trạng giữ nước trong cơ thể, từ đó làm tăng áp lực trong ống cổ tay và gây tổn thương dây thần kinh giữa. Nguyên nhân này thường xuất hiện ở phụ nữ tiền mãn kinh và mang thai.
- Do tính chất nghề nghiệp: Các hoạt động phải co gập cổ tay quá mức hoặc liên tục có thể gây viêm các gân gấp ngón tay, làm tăng áp lực trong ống cổ tay và gây chèn ép dây thần kinh giữa. Do đó, người làm công việc văn phòng, công nhân, nội trợ, thợ chế tác,… dễ bị hội chứng ống cổ tay hơn so với đối tượng làm những công việc khác.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra nếu có những yếu tố thuận lợi như:
- Là nữ giới (do nữ giới có ống cổ tay hẹp, nhỏ hơn so với nam giới)
- Béo phì
- Mắc các bệnh mãn tính có tổn thương dây thần kinh (tiểu đường, các bệnh mô liên kết,…)
- Người đang sử dụng thuốc điều trị ung thư vú (Anastrozole)
- Tính chất công việc phải thường gấp duỗi cổ tay
Trong một số trường hợp, hội chứng ống cổ tay không khởi phát do một nguyên nhân cụ thể mà là hệ quả do nhiều nguyên nhân và yếu tố cộng hưởng.
Nguyên nhân là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến triển và hướng điều trị hội chứng này. Nếu xảy ra do chấn thương và mang thai, hội chứng này có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp y tế. Ngược lại, trong trường hợp xảy ra do các bệnh mãn tính, hội chứng ống cổ tay có xu hướng tái phát nhiều lần và ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động.
Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Hội chứng ống cổ tay là rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng các triệu chứng của bệnh có xu hướng nặng dần theo thời gian và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề. Nếu không xử lý và điều trị kịp thời, hội chứng ống cổ tay có thể gây ra các biến chứng như:
- Mất hoàn toàn cảm giác ở các ngón tay bị chi phối bởi dây thần kinh giữa như ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn
- Rối loạn giấc ngủ do các triệu chứng bùng phát mạnh vào ban đêm
- Giảm chất lượng cuộc sống, khả năng lao động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sinh hoạt
- Teo cơ mô cái và dẫn đến tàn tật
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề xương khớp và rối loạn thần kinh khác. Vì vậy trước khi điều trị, bệnh nhân cần thực hiện một số chẩn đoán sau:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám ống cổ tay, quan sát các biểu hiện (cảm giác, cử động) của ngón tay và thu thập các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ sẽ gõ lên ống cổ tay của bệnh nhân ở tư thế duỗi để quan sát biểu hiện (thường gây tê giật và đau các ngón tay) hoặc gập cổ tay của bệnh nhân trong vòng 60 giây (thường gây tê bàn tay và các đầu ngón tay).
- Chụp X–Quang cổ tay: Chụp X-Quang cổ tay được thực hiện nhằm loại trừ một số khả năng có thể xảy ra như thoái hóa khớp và gãy, nứt xương cổ tay.
- Điện cơ đồ: Phương pháp này được thực hiện bằng cách phóng luồng điện cực nhỏ vào trong cơ bắp để đánh giá phản ứng và sức mạnh của khối cơ. Điện cơ đồ giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương của cơ mô cái và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác trước khi đưa ra chẩn đoán. Bên cạnh chức năng xác định bệnh lý, các kỹ thuật chẩn đoán còn giúp bác sĩ đánh giá mức độ chèn ép dây thần kinh và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay
Mục đích của điều trị hội chứng ống cổ tay là kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và giải phóng áp lực lên dây thần kinh giữa. Trên thực tế, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh lý và các yếu tố đi kèm (độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tính chất công việc,…) của từng bệnh nhân để chỉ định phương pháp phù hợp nhất.
Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay được áp dụng phổ biến nhất, bao gồm:
1. Các biện pháp làm giảm áp lực lên cổ tay
Đối với những trường hợp nhẹ, hội chứng ống cổ tay có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp làm giảm áp lực lên cổ tay như:
- Đeo nẹp cổ tay là biện pháp điều trị phổ biến đối với hội chứng ống cố tay. Biện pháp này thường được thực hiện cho phụ nữ mang thai và người bị chấn thương nhẹ. Đeo nẹp giúp cố định ống cổ tay và làm giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Biện pháp này thường được thực hiện vào ban đêm để tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và khả năng lao động của bệnh nhân.
- Hạn chế các hoạt động phải sử dụng cổ tay quá nhiều như đánh máy tính, lái xe, mang vác, cầm nắm, không dùng tay kê đầu khi ngủ,…
- Với người bị béo phì, nên chủ động giảm cân để làm giảm áp lực lên ống cổ tay và giải phóng chèn ép lên dây thần kinh giữa
2. Sử dụng thuốc uống/ thuốc tiêm
Trong trường hợp hội chứng ống cổ tay gây đau nhiều, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm tùy theo mức độ triệu chứng. Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng chống viêm và giảm cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc thường được sử dụng ngắn hạn để cải thiện các triệu chứng đau nhức, tê bì, sưng viêm,… do hội chứng ống cổ tay gây ra. Tuy nhiên, NSAID không được khuyến cáo dùng cho người đang bị viêm loét dạ dày tiến triển, tiền sử xuất huyết dạ dày và đột quỵ. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ để được thay thế bằng loại thuốc khác.
- Tiêm corticoid: Tiêm corticoid được chỉ định khi ống cổ tay sưng tấy nặng và không thuyên giảm khi dùng NSAID. Corticoid có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch mạnh, từ đó làm giảm phản ứng viêm của cơ thể và cải thiện tình trạng sưng nóng, đau nhức. Tuy nhiên, tiêm corticoid tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc giảm đau dùng ngoài: Nếu cơn đau có mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau dùng ngoài (dạng xịt, dán hoặc gel bôi) để giảm thiểu tác dụng phụ. Hầu hết các loại thuốc này đều chỉ cho tác dụng tại chỗ và không gây ra phản ứng toàn thân. Hạn chế của nhóm thuốc giảm đau dùng ngoài là hiệu quả kém nên chỉ thích hợp với cơn đau có mức độ nhẹ.
- Vitamin nhóm B: Các loại vitamin nhóm B có tác dụng bảo vệ, tái tạo và phục hồi các tế bào thần kinh bị tổn thương. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc này để giảm các triệu chứng khó chịu, tăng dẫn truyền và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa dây thần kinh do bị chèn ép lâu ngày.
3. Vật lý trị liệu
Sử dụng thuốc chỉ làm giảm các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay. Do đó, bệnh nhân cần thực hiện phối hợp với các biện pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, tăng chuyển hóa dinh dưỡng và cải thiện tổn thương ở dây thần kinh giữa.
Các biện pháp vật lý trị liệu được áp dụng trong điều trị hội chứng ống cổ tay:
- Siêu âm trị liệu: Siêu âm trị liệu lên ống cổ tay có tác dụng giãn mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ và tăng chuyển hóa dinh dưỡng tại chỗ. Biện pháp này giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, hỗ trợ làm giảm hiện tượng viêm và phục hồi tổn thương ở dây thần kinh giữa.
- Nhiệt trị liệu: Nhiệt trị liệu sử dụng nhiệt nóng hoặc nhiệt lạnh lên vùng ống cổ tay. Trong đó, nhiệt nóng có tác dụng giảm đau nhức, điều hòa thần kinh và thư giãn các cơ co thắt quá mức. Nhiệt lạnh có tác dụng giảm đau và sưng viêm trong trường hợp hội chứng ống cổ tay xảy ra do chấn thương hoặc nhiễm trùng.
- Điện trị liệu: Điện trị liệu là phương pháp sử dụng dòng điện qua da để kích thích cơ và dây thần kinh. Biện pháp này giúp phục hồi các mô cơ bị teo, tăng tuần hoàn máu và hỗ trợ giảm cơn đau. Đồng thời cải thiện chức năng hoạt động của cổ tay và tăng cường sức mạnh khối cơ.
- Di động mô mềm: Di động mô mềm là phương pháp sử dụng tay để thực hiện các kỹ thuật như xoa bóp, nén, day, xát,… (tùy theo vị trí). Phương pháp này có tác dụng giảm co cứng cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và phục hồi chức năng vận đông.
- Bài tập cổ tay và bàn tay: Ngoài các phương pháp thụ động, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số bài tập cổ tay và bàn tay để phục hồi chức năng vận động, tăng chuyển hóa dinh dưỡng và cải thiện sức mạnh khối cơ. Kết hợp các bài tập này cùng với các phương pháp trên giúp kiểm soát triệu chứng và tăng khả năng vận động rõ rệt.
4. Phẫu thuật
Đa phần bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay đều thuyên giảm rõ rệt sau khi áp dụng các biện pháp làm giảm áp lực lên cổ tay, sử dụng thuốc và thực hiện vật lý trị liệu. Tuy nhiên đối với những trường hợp không có đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Để giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh giữa, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ dây chằng ngang cổ tay. Nếu bị chèn ép lâu ngày, bao ngoài của dây thần kinh có thể dày lên đáng kể. Lúc này, bác sĩ kết hợp cắt bỏ dây chằng và bóc tách bao ngoài để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định mổ mở hoặc nội soi. Trong đó:
- Mổ hở: Bác sĩ thực hiện đường rạch ở gan bàn tay và tiến hành cắt dây chằng ngang, bóc tách màng bao ngoài dây thần kinh (nếu cần thiết). Mô hở giúp bác sĩ quan sát rõ cấu trúc ống cổ tay và xử lý một số vấn đề bất thường (nếu có). Tuy nhiên, hạn chế của kỹ thuật ngoại khoa này là thời gian phục hồi chậm và dễ bị nhiễm trùng hơn so với nội soi.
- Phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật nội soi sử dụng dụng cụ hỗ trợ có kích thước nhỏ với đầu chứa camera. Camera được nối với màn hình nhằm hiển thị rõ cấu trúc của ống cổ tay. Từ hình ảnh của camera, bác sĩ chỉ cần tạo một đường rạch nhỏ và có thể dễ dàng cắt dây chằng ngang. Tuy nhiên, nội soi không thích hợp đối với những trường hợp phải tiến hành bóc tách bao ngoài của dây thần kinh.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần sử dụng thuốc để giảm đau nhức và ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau đó, phải tiến hành thực hiện vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và ổn định cấu trúc ống cổ tay.
Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay bằng cách nào?
Hội chứng ống cổ tay có thể tái phát nếu tiếp tục duy trì các thói quen xấu. Trong trường hợp tái phát nhiều lần, bệnh nhân có thể phải can thiệp phẫu thuật. Vì vậy sau khi điều trị bệnh, nên chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Người làm những công việc phải gập duỗi cổ tay liên tục nên thả lỏng bàn tay, xoay nhẹ cổ tay và thư giãn sau khoảng 1 – 2 giờ làm việc. Biện pháp này có thể làm giảm áp lực lên ống cổ tay và hạn chế mức độ chèn ép lên dây thần kinh giữa.
- Với người làm công việc văn phòng, nên ngồi đánh máy đúng tư thế để giảm áp lực lên cổ tay.
- Hạn chế cầm nắm và mang vác các vật nặng.
- Người mắc các bệnh hệ thống và rối loạn chuyển hóa nên tích cực điều trị để ngăn ngừa tổn thương lên dây chằng, dây thần kinh và các mô mềm khác.
- Nhiệt độ lạnh có thể làm co mạch máu và thu hẹp không gian trong ống cổ tay, từ đó làm tăng mức độ chèn ép lên dây thần kinh giữa và gây ra tình trạng tê bì, đau nhức,… Vì vậy, nên giữ ấm tay khi thời tiết chuyển lạnh để ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay bùng phát.
- Chủ động giảm cân bằng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học. Cân nặng vượt mức không chỉ làm tăng nguy cơ tái phát hội chứng ống cổ tay mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Không kê tay khi ngủ và tránh để vật nặng lên tay trong thời gian dài
- Người phải co duỗi tay liên tục nên sử dụng nẹp cổ tay vào ban đêm để giữ ống cổ tay ở vị trí cân bằng và hạn chế mức độ chèn ép lên dây thần kinh giữa
Hội chứng ống cổ tay là một dạng rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp nhất. Hội chứng này có thể được điều trị hoàn toàn nếu phát hiện và can thiệp sớm. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng, gây teo cơ và giảm chức năng vận động của tay.