[Đừng bỏ qua]10 Loại nước uống tốt cho người bị bệnh gout

Người bị bệnh gout tăng cường bổ sung nước sẽ giúp đào thải axit uric. Đồng thời hạn chế sự hình thành sỏi urate ở cơ quan bài tiết. Trước những lợi ích mà nước đem lại, bạn đừng bỏ qua 10 loại nước uống tốt cho người bị bệnh gout dưới đây nhé!

Những loại nước này sẽ giúp cung cấp cho cơ thể bạn một hàm lượng khoáng chất, vitamin, axit amin và chất chống oxy hóa dồi dào. Đem lại một cơ thể khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật.

 

nước uống tốt cho bệnh gout
Người bị bệnh gout nên uống nước gì?

10 Loại nước uống tốt cho bệnh gout nên bổ sung thường xuyên

Gout (gút) là bệnh viêm khớp mãn tính, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Bệnh lý này thực chất là dạng rối loạn chuyển hóa, liên quan đến bất thường trong chuyển hóa nhân purin dẫn đến tình trạng tăng axit uric trong máu. Khi axit uric tăng đến một ngưỡng nhất định sẽ hình thành tinh thể muối urat. Các tinh thể này tích tụ ở khớp (chủ yếu là khớp ngón chân cái), sau đó kích thích phản ứng viêm và gây đau dữ dội.

Tương tự như các dạng viêm khớp mãn tính khác, bệnh gout không thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, tiến triển của bệnh có thể được kiểm soát bằng cách ổn định nồng độ axit uric trong máu. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý bổ sung các loại thực phẩm và nước uống phù hợp để giảm sản xuất và tăng đào thải axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể.

Để dễ dàng thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp, bệnh nhân có thể tham khảo 10 loại nước uống tốt cho bệnh gout được tổng hợp trong nội dung sau:

1. Nước lọc – Thức uống tốt nhất cho người bị gout (gút)

Nước lọc là thức uống cần thiết cho cơ thể – đặc biệt là người mắc các bệnh lý liên quan đến tăng axit uric. Bởi thận là cơ quan bài tiết thành phần này ra khỏi cơ thể, đồng thời hỗ trợ ổn định nồng độ axit uric trong máu. Thận suy giảm chức năng là một trong những nguyên nhân khiến axit uric tích tụ và gây ra bệnh gout.

bệnh gout nên uống nước gì
Người bị bệnh gout nên bổ sung từ 2 – 2.5 lít nước lọc mỗi ngày để hỗ trợ chức năng bài tiết

Do đó, bệnh nhân bị gout cần bổ sung khoảng 2 – 2.5 lít nước/ ngày. Nên chia nước thành 8 – 9 ly và uống thành nhiều lần trong ngày. Bổ sung nước đúng cách có thể cân bằng điện giải, giảm mệt mỏi và hỗ trợ thận thanh thải axit uric. Uống quá ít nước có thể khiến quá trình bài tiết axit uric bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng tăng nồng độ trong máu và tăng nguy cơ hình thành sỏi urate (tinh thể urat kết tinh thành sỏi trong thận).

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tránh uống quá nhiều nước. Bổ sung hơn 2.5 lít nước/ ngày có thể làm tăng áp lực lên thận, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bài tiết và thanh thải axit uric dư thừa.

2. Cà phê hỗ trợ giảm đau do gout

Ít ai biết rằng, cà phê là một trong những loại nước uống tốt cho bệnh nhân gout. Loại thức uống này chứa caffeine cùng với khoáng chất và polyphenol (chất chống oxy hóa). Sử dụng đều đặn 1 – 2 tách cà phê nhỏ mỗi ngày có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu. Nguyên nhân là do một số chất trong cà phê cạnh tranh với ezyme chuyển hóa purin khiến purin bị phá vỡ, từ đó làm giảm sự hình thành axit uric và hạn chế tăng axit uric trong máu.

Hơn nữa, việc sử dụng cà phê mỗi ngày còn giúp đầu óc tỉnh táo, kích thích hệ thần kinh trung ương và tăng hiệu suất lao động. Caffeine trong loại thức uống này còn được chứng minh làm giảm hấp thu chất béo, ổn định nồng độ cholesterole và bảo vệ tế bào gan.

Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên dùng 1 – 2 ly cà phê nhỏ mỗi ngày và tránh dùng cà phê có nhiều đường hoặc sữa. Nên sử dụng cà phê sau bữa sáng sáng để giữ đầu óc tỉnh táo, tránh dùng khi bụng đói hoặc sử dụng vào buổi chiều tối.

3. Nước ép cần tây

Không chỉ là loại thức uống hỗ trợ giảm cân và làm đẹp da, nước ép cần tây còn mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của bệnh nhân gout. Thức uống này có tính kiềm giúp kiềm hóa nước tiểu và tăng thải các loại axit dư thừa trong cơ thể qua đường bài tiết. Do đó, thường xuyên bổ sung nước ép cần tây có thể đào thải axit uric và ổn định nồng độ trong máu.

Bên cạnh đó, cần tây còn chứa hợp chất thực vật polyacetylene có tác dụng ức chế phản ứng viêm do các bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và thoái hóa khớp. Chính vì vậy, bổ sung nước ép hoặc một số món ăn từ cần tây có thể hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau và các triệu chứng của bệnh gout.

4. Nước ép từ quả anh đào

Anh đào là một trong những loại trái cây tốt cho người bị gout. Với hàm lượng chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất dồi dào, nước ép từ quả anh đào có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, lợi tiểu và hỗ trợ cơ thể đào thải axit, độc tố tích tụ.

nước uống tốt cho bệnh gout
Nước ép từ quả anh đào là một trong những loại thức uống tốt cho người bị bệnh gout

Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa trong loại quả này cũng đã được chứng minh có khả năng giảm viêm do các bệnh xương khớp mãn tính gây ra. Trong đó phải kể đến anthocyanin – chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Ngoài tác dụng kháng viêm, anthocyanin còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ mạch máu và tiêu trừ gốc tự do.

Khi dùng nước ép từ quả anh đào, bệnh nhân nên dùng nước ép tươi, tránh thêm đường và sữa đặc. Ngoài nước ép, bệnh nhân cũng có thể ăn quả anh đào trực tiếp hoặc dùng kèm với sữa chua và một số loại trái cây khác.

5. Nước ép dứa – Nước uống tốt cho bệnh gout

Dứa là loại trái cây giàu dinh dưỡng. Trung bình 240ml nước ép dứa có thể cung cấp cho cơ thể mangan 55% DV (giá trị dinh dưỡng hằng ngày), đồng 19% DV, thiamine 12%, vitamin C, vitamin B6, magie,… và vô số chất chống oxy hóa. Mặc dù chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào nhưng dứa không có quá nhiều chất béo và cung cấp rất ít kcal. Chính vì vậy, nước ép dứa là một trong những loại thức uống tốt cho người mắc bệnh gout và một số bệnh lý có liên quan.

Các chuyên gia cho rằng, vitamin C, beta-carotene (tiền chất của vitamin A) và các flavonoid trong loại quả này có tác dụng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, nước ép dứa còn chứa enzyme bromelanin có tác dụng kháng viêm, giảm đau và ngừa sỏi thận.

nước uống tốt cho bệnh gout
Bổ sung nước ép dứa có thể hạn chế sự tích tụ tinh thể urate ở cơ quan tiết niệu

Như đã biết, axit uric đào thải qua thận. Trong trường hợp tăng axit uric trong thời gian dài, tinh thể muối urat có thể tích tụ tại thận và gây ra sỏi. Vì vậy, bổ sung nước ép dứa thường xuyên có thể tăng đào thải axit uric và ngăn ngừa hình thành sỏi urate.

Một số thực nghiệm lâm sàng cho thấy, enzyme bromelain có tác dụng chống viêm mạnh. Tác dụng chống viêm của dứa được chứng minh có cơ chế tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) nhưng ít tác dụng phụ và rủi ro hơn. Do đó, bệnh nhân bị gout và người mắc các bệnh viêm khớp mãn tính có thể bổ sung nước ép từ loại quả này để giảm hiện tượng và kiểm soát các triệu chứng đi kèm.

6. Trà gừng

Trà gừng là loại thức uống quen thuộc, thường được dùng để cải thiện và phòng ngừa các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, dị ứng và đau bụng do lạnh. Bên cạnh đó, loại thức uống này còn mang lại nhiều lợi ích đối với bệnh nhân bị gout.

Trà gừng được chứng minh có khả năng giảm đau nhức do các bệnh viêm khớp đáng kể. Thực nghiệm vào năm 2010 cho thấy, bệnh nhân sử dụng trà gừng giảm cơn đau nhanh chóng hơn so với nhóm bệnh nhân không sử dụng. Do đó, bệnh nhân mắc các chứng viêm khớp mãn tính có thể sử dụng thức uống này vào giai đoạn ổn định để phòng ngừa cơn đau gout cấp bùng phát.

Ngoài tác dụng giảm đau, trà gừng còn chứa chất chống oxy hóa có khả năng tăng cường miễn dịch, kiểm soát lượng đường trong máu và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Vì vậy, bệnh nhân gout nên bổ sung 1 tách trà gừng mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và kiểm soát tiến triển của bệnh. Khi pha trà gừng, nên dùng gừng tươi thay vì trà túi lọc để đảm bảo hiệu quả. Bệnh nhân cũng có thể thêm 1 ít đường phèn hoặc mật ong để tăng hương vị.

Tránh dùng trà gừng nếu đang nóng trong người và có huyết áp không ổn định. Ngoài ra, nên thận trọng khi sử dụng loại trà này thường xuyên nếu đang dùng thuốc chống đông máu.

7. Nước cam tốt cho người có axit uric cao

Nước cam chứa nhiều vitamin và khoáng chất – đặc biệt là vitamin C. Vitamin C đã được chứng minh có tác dụng tăng đào thải axit uric và tăng cường hệ miễn dịch.

nước uống tốt cho bệnh gout
Bệnh nhân gout có thể bổ sung nước cam để tăng cường sức khỏe và cải thiện hệ miễn dịch

Tuy nhiên, cam chứa khá nhiều axit và có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi đường tiết niệu. Chính vì vậy, bệnh nhân chỉ nên sử dụng 1 – 2 ly nước ép cam không đường/ tuần để cải thiện sức khỏe và tăng sức chống chịu của cơ thể của bệnh tật.

8. Các loại sữa hạt

Các loại thực phẩm chứa nhiều purin có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Do đó, bệnh nhân bị gout cần phải kiêng cử nhiều loại thực phẩm giàu đạm. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng và suy giảm sức đề kháng. Để bổ sung đạm và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, bệnh nhân có thể dùng sữa hạt để thay thế cho các loại thịt đỏ.

Các loại sữa hạt như sữa bắp, sữa óc chó, hạnh nhân, đậu đỏ,… chứa hàm lượng đạm tương đối, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Bệnh nhân có thể bổ sung 2 – 3 ly sữa/ tuần để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, hỗ trợ quá trình tái tạo và phục hồi xương. Ngoài ra, người bị gout cũng có thể sử dụng sữa chua và sữa bò tách béo. Tuy nhiên, cần tránh dùng sữa đậu nành vì loại sữa này chứa hàm lượng purin tương đối cao.

9. Nước ép dưa hấu

Dưa hấu là một trong những loại trái cây được ưa chuộng. Ngoài hàm lượng nước và chất xơ dồi dào, loại quả này còn cung cấp cho cơ thể nhiều kali. Kali có tác dụng giãn mạch, điều hòa huyết áp và hỗ trợ tăng đào thải tinh thể urate qua thận. Do đó bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể bổ sung nước ép dưa hấu thường xuyên để kiểm soát nồng độ axit uric trong máu và ngăn ngừa sỏi urat.

nước uống tốt cho bệnh gout
Nước ép dứa hấu là một trong những loại thức uống tốt cho người bị bệnh gout

Ngoài ra, dưa hấu còn chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng thanh lọc cơ thể, giảm cân và ổn định huyết áp. Người bị gout sử dụng thức uống từ loại quả này thường xuyên còn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tăng axit uric trong máu như cao huyết áp, sỏi thận,…

10. Trà xanh tốt cho bệnh nhân gout

Trà xanh (chè xanh) là loại thức uống giàu chất chống oxy hóa và có chứa caffeine giúp não bộ tỉnh táo. Ngoài tác dụng thanh lọc cơ thể, thức uống này cũng được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho người bị gout. Trà xanh chứa hàm lượng purin thấp nên hầu như không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric trong máu.

Ngoài ra, trà xanh còn chứa nhiều chất chống oxy hóa – đặc biệt là EGCG có khả năng giảm đau và chống viêm do viêm khớp mãn tính. Bên cạnh đó, loại trà này còn có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu và giải độc. Nghiên cứu cho thấy, uống từ 2 – 3 ly nước chè xanh mỗi ngày có thể kiểm soát nồng độ axit uric trong máu và hỗ trợ giảm cơn đau gout cấp.

nước uống tốt cho bệnh gout
Với hàm lượng chất chống oxy hóa cao, trà xanh hỗ trợ chống viêm và giảm sưng đau do gout

Tuy nhiên, chè xanh còn có thể làm giảm hấp thu sắt và một số thành phần dinh dưỡng. Vì vậy, bệnh nhân không nên dùng thức uống này sau khi ăn. Thay vào đó, nên uống trà xanh sau khi ăn sáng khoảng 2 giờ để đầu óc tỉnh táo, minh mẫn và không ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.

Một số loại thức uống cần hạn chế khi bị gout

Bên cạnh việc bổ sung các loại nước uống tốt cho bệnh gout, bệnh nhân cũng cần kiêng cử và hạn chế một số loại thức uống sau:

  • Rượu bia: Rượu bia có thể kích thích phản ứng sưng đau ở khớp và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh gout. Hơn nữa, thức uống này tạo ra nhiều axit lactic có thể cạnh tranh đào thải với axit urat. Sử dụng rượu bia thường xuyên dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu và khiến bệnh gout tiến triển theo chiều hướng tiêu cực. Do đó, bệnh nhân bị gout cần tránh sử dụng rượu bia và một số loại thức uống chứa cồn khác.
bệnh gout nên uống nước gì
Bệnh nhân bị gout và mắc các bệnh viêm khớp nên kiêng cử sử dụng rượu bia và đồ uống chứa cồn
  • Nước ngọt có gas: Nước ngọt có gas chứa hàm lượng đường cao cùng với hương liệu và chất bảo quản. Các thành phần trong thức uống này có thể làm nghiêm trọng hiện tượng viêm ở khớp ngón chân cái và gây bùng phát cơn đau dữ dội. Hơn nữa, nước ngọt có gas còn có độ pH thấp, có khả năng axit hóa nước tiểu và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Trà đen: Khác với trà xanh, trà đen chứa nhiều oxalate có thể ảnh hưởng đến quá trình đào thải axit uric. Đồng thời làm tăng độ axit trong nước tiểu và dẫn đến hình thành sỏi ở đường tiết niệu. Sử dụng trà đen thường xuyên có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu và kích thích bệnh gout tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.
  • Nước ép đóng chai: Hầu hết các loại nước ép đóng chai đều chứa nhiều đường, phẩm màu và chất bảo quản. Vì vậy, bệnh nhân nên sử dụng nước ép tươi thay vì sử dụng các sản phẩm đóng chai. Sử dụng nước ép đóng chai thường không mang lại lợi ích với sức khỏe, ngược lại còn tăng phản ứng viêm đau ở khớp ngón chân cái.

Trên đây là 10 loại nước uống tốt cho bệnh nhân gout nên bổ sung thường xuyên để cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên kết hợp cùng với các món ăn phù hợp để cung cấp đầy đủ protein, lipid, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Đồng thời nên thay đổi một số thói quen xấu và sinh hoạt khoa học để tác động tích cực đến quá trình điều trị.