Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không? Có chữa được không là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người. Bởi căn bệnh này gây ra không ít phiền toái cho người bệnh. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp nhé!
Thoái hóa cột sống xuất hiện khi cấu trúc hình thái của các tổ chức liên quan đến cột sống (sụn, dịch khớp, xương dưới sụn, gai xương, dây chằng, đĩa đệm) bị thay đổi theo thời gian. Bệnh lý này là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa tự nhiên, phổ biến ở những người trung niên, cao tuổi (từ 30 tuổi trở lên) thuộc các nghề như: tiểu thương, tài xế, công nhân bốc vác, nhân viên văn phòng…
Bệnh lý này gây ra nhiều cơn đau nhức tại vị trí cột sống bị thoái hóa, bao gồm: vai, lưng, cổ, cánh tay, chân… cùng một số triệu chứng khác như: chóng mặt, mất ngủ, đau đầu, sút cân và biến dạng đường cong sinh lý.
Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, thoái hóa cột sống là bệnh lý mạn tính không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các tình trạng sau:
- Giới hạn chức năng vận động: Khi cột sống bị thoái hóa, cơ thể sẽ hình thành các gai xương gây đau đớn, từ đó hạn chế khả năng vận động. Vì vậy, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn khi ngoái cổ, gập người, mang vác đồ đạc.
- Rối loạn tiền đình: Đối với các trường hợp thoái hóa cột sống lâu ngày, mạch máu của bệnh nhân sẽ bị chèn ép nghiêm trọng, khiến họ mắc chứng rối loạn tiền đình, chóng mặt, lo lắng, ngủ không ngon giấc, trầm cảm…
- Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm là cấu trúc không xương nằm ở giữa các đốt sống. Tình trạng thoái hóa cột sống làm tăng nguy cơ đĩa đệm dịch chuyển lệch khỏi vị trí tự nhiên. Khi đó, một tác nhân đủ mạnh (tập thể thao với cường độ cao, khiêng vác vật nặng hoặc tổn thương do tai nạn) có thể dễ dàng làm tổn thương đến bọc bao xơ bên ngoài đĩa đệm, từ đó nhân nhân (phần nhân nằm tại trung tâm đĩa đệm) trật khỏi vị trí ban đầu. Đây chính là hiện tượng thoát vị địa đệm.
- Đau thần kinh tọa: Trong quá trình thoái hóa cột sống, các gai xương sẽ tạo thành áp lực lớn lên dây thần kinh tọa, làm người bệnh đau nhức khó chịu dọc hông đến chân, khiến họ vận động khó khăn.
- Biến dạng cột sống: Nếu bệnh nhân không chủ động điều trị hoặc điều trị sai cách, bệnh thoái hóa cột sống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trục sinh lý tự nhiên, khiến hình dáng cơ thể bị cong vẹo và biến dạng.
- Bại liệt: Bệnh thoái hóa cột sống kéo dài và không được điều trị đúng hướng sẽ khiến dây thần kinh tổn thương nặng nề, dẫn đến liệt bán thân hoặc liệt hoàn toàn.
Các biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống
Tuy thoái hóa cột sống không đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh lý này sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tổng quát và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ còn được gọi là thoái hóa đốt sống cổ. Đây là tình trạng tổn thương, thoái hóa dây chằng, sụn khớp, đĩa liên đốt tới các màng tại vùng cổ, khiến các sụn khớp bị bào mòn và hình thành một số gai xương cạnh khớp.
Theo thống kê từ Viện Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ (American Academy of Orthopaedic Surgeon), hơn 85% người trên 60 tuổi mắc phải chứng bệnh này. Việc tủy cột sống cổ bị các khối lồi thoát vị và gai xương đè nén lâu ngày có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm như:
- Thiếu máu lên não: Đốt sống cổ bị thoái hóa sẽ chèn ép lên rễ thần kinh, khiến máu khó lưu thông, dẫn đến tắc nghẽn quá trình tuần hoàn máu não, từ đó gây ra hiện tượng thiếu máu não. Nếu bị thiếu máu não, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ, suy nhược thần kinh, thậm chí ngất xỉu, xuất huyết não hay đột quỵ.
- Thoát vị đĩa đệm cổ: Đây là biến chứng nặng nề, xuất hiện khi bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ lâu ngày. Khi đó, đĩa đệm rất dễ tổn thương, xơ hóa. Trong một số trường hợp, đĩa đệm có thể bị nứt, rách khiến dịch nhầy tràn ra ngoài, gây thoát vị đĩa đệm cổ. Tình trạng này tạo nên nhiều cơn đau nhức, khiến mạch máu và dây thần kinh của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó hạn chế khả năng vận động của họ.
- Hội chứng cổ – tủy: Khi các khối lồi đĩa đệm và gai xương (do thoái hóa cột sống gây ra) phát triển hai bên hoặc ra sau thì hội chứng cổ – tủy sống xuất hiện. Trong các trường hợp hiếm gặp, gai xương phát triển hướng vào trung tâm cột sống hoặc hướng sang cạnh và trung tâm cột sống, tạo thành áp lực lớn tại tủy sống. Lúc này, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác, hai chân bị liệt hoặc liệt bán thân.
- Hội chứng cổ – tim: Nếu đốt sống cổ lệch khỏi vị trí ban đầu, cấu trúc cổ sẽ thay đổi. Các dây thần kinh chi phối tim bị chèn ép thường xuyên, từ đó dẫn đến các cơn đau tim bất ngờ, rối loạn nhịp tim, cơn đau nhức lan rộng xuống ngực.
- Hội chứng cổ – túi mật: Tình trạng thoái hóa cột sống có thể tác động đến các dây thần kinh thực vật tại vùng cổ, gây ra hội chứng cổ – túi mật.
Biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý mạn tính, xuất hiện khi khớp và đĩa đệm bị thoái hóa, đồng thời xương phát triển trên các đốt cột sống. Sự thay đổi về mặt cấu trúc này khiến người bệnh thường xuyên đau nhức và vận động khó khăn.
Thoái hóa cột sống thắt lưng thường phát triển ở các vị trí sau:
- Gai cột sống ngực tác động đến phần giữa cột sống.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng tác động đến phần lưng dưới.
- Những phần ngạnh nhô ra của khớp xương (multilevel spondylosis) tác động cùng lúc đến nhiều phần của cột sống.
Tình trạng thoái hóa cột sống vùng thắt lưng nặng có thể dẫn đến những hậu quả sau:
- Rễ thần kinh bị chèn ép: Các rễ thần kinh sẽ bị chèn ép nếu người bệnh bị thoái hóa cột sống lâu ngày. Khi đó, cơn đau không chỉ xảy ra ở một vị trí nhất định mà có xu hướng lan rộng theo đường đi của các dây thần kinh, khiến bạn đau nhức vùng mông và tứ chi. Bên cạnh đó, những cơn đau này thường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, kèm theo cảm giác bỏng rát khó chịu.
- Gai cột sống: Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh thoái hóa cột sống vùng thắt lưng. Khi cột sống khu vực này bị thoái hóa, cơ thể sẽ tự “sửa chữa” bằng cách tập trung canxi ở đốt sống, từ đó tạo thành những gai xương. Sự phát triển bất thường của gai xương có thể làm hẹp lỗ liên hợp đốt sống hoặc đè ép các dây chằng, dây thần kinh cùng một số mô mềm xung quanh.
- Đau ngực: Hiện tượng này xuất hiện khi gốc thần kinh cột sống cổ số 6 và 7 phải chịu sự chèn ép từ các gai xương. Người bệnh sẽ cảm thấy đau bầu ngực, đau dữ dội khi bị ấn vào ngực hoặc đau dai dẳng một bên ngực.
- Suy giảm thị lực: Sợ ánh sáng, chảy nước mắt, mắt sưng đau, độ lớn nhỏ của đồng tử không đồng đều, tầm nhìn bị thu hẹp, thậm chí mù lòa là các biến chứng nguy hiểm của bệnh thoái hóa cột sống vùng thắt lưng.
- Cột sống biến dạng: Khi thời tiết thay đổi, những cơn đau nhức dữ dội sẽ khiến người bệnh không thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Họ chỉ có thể di chuyển được khi đứng trong tư thế nghiêng người hoặc cúi xuống đất. Theo thời gian, bệnh nhân dễ bị gù, vẹo, còng lưng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bệnh nhân thoái hóa cột sống vùng thắt lưng có thể bị teo cơ, liệt chi dưới, thậm chí tàn phế vĩnh viễn.
Biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống chèn dây thần kinh
Khi bị chèn ép lâu ngày, các dây thần kinh xung quanh cột sống bị sưng viêm, khiến phần cột sống tổn thương lệch khỏi vị trí ban đầu. Đây chính là thoái hóa cột sống chèn dây thần kinh. Tình trạng này bắt nguồn từ quy luật lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác bao gồm: gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, lười vận động, béo phì, thiếu hụt canxi… Những vị trí thoái hóa cột sống chèn dây thần kinh thường gặp là: chèn dây thần kinh cổ, chèn dây thần kinh ngực và chèn dây thần kinh lưng. Bệnh lý này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Thiếu máu lên não dẫn đến rối loạn tiền đình, khiến bạn luôn lờ đờ, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, giảm cân, trầm cảm…
- Dây thần kinh bị chèn ép làm người bệnh thường xuyên đau nhức, vận động khó khăn. Các cơn đau vùng hông, mông, bàn chân, bắp chân, ngón chân sẽ cản trở thói quen sinh hoạt thường ngày của họ. Thậm chí, nếu bệnh tình trở nên tồi tệ, bệnh nhân có thể bị teo cơ hay bại liệt.
- Hạch thần kinh giao cảm ở cổ bị chèn ép gây khó thở, đau nhức, co giật.
- Thoát vị đĩa đệm khiến tủy sống chịu nhiều áp lực, từ đó gây ra hiện tượng rối loạn chi trên, dưới. Bệnh nhân có thể bị liệt hai chân, liệt bán thân hoặc toàn thân.
Thoái hóa cột sống có chữa được không?
Trong giai đoạn đầu, bệnh thoái hóa cột sống có thể được chữa khỏi bằng hai phương pháp điều trị phổ biến sau:
Thuốc Tây y
- Thuốc giảm đau (Aspirin, Paracetamol…) có công dụng giảm đau nhanh chóng, thường được sử dụng khi cần kiểm soát các cơn đau cấp tính.
- Thuốc kháng viêm không chứa steroid (Brexin, Diclofenac…) có thể ức chế quá trình viêm nhiễm lây lan sang các khu vực xung quanh.
- Thuốc giãn cơ (Myonal, Mydocalm…) được chỉ định trong trường hợp cơ co cứng do thoái hóa cột sống.
Thuốc Nam
- Quế chi có khả năng thông kinh mạch, giải trừ tà khí, làm ấm cơ thể, chữa nhức đầu, cảm gió, đổ mồ hôi, đau mình, đau nhức gân cơ và xương khớp. Người bệnh có thể trộn 2 phần nước ấm, 1 phần mật ong và 1 muỗng cà phê bột quế thành hỗn hợp sền sệt rồi đắp đều lên chỗ nhức và xoa bóp nhẹ nhàng nhằm giảm nhanh các cơn đau nhức cột sống.
- Thổ phục linh giúp đẩy lùi chứng tê nhức, xương đau buốt, phong thấp và bệnh gout. Bệnh nhân đem sắc 6g bạch chỉ, 8g đương quy, 10g cây tổ trồng, 20g thổ phục linh với 1 lít nước, sau đó chia thuốc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
- Dây đau xương có thể trị bệnh tê bại, thấp khớp, trật khớp, bong gân… Ngoài ra, cây thuốc này còn chữa được vết rắn cắn, chứng nôn mửa, sốt rét mạn tính và làm thuốc bổ.
- Dền gai vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, có khả năng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp. Do đó, thảo dược này được dùng để điều trị mụn nhọt, phù thũng, các bệnh về thận và xương khớp. Bạn giã nát cây dền gai với một ít muối rồi đắp lên vị trí cột sống thoái hóa, áp dụng mỗi ngày, liên tục trong 1 tuần.
- Tía tô tính ấm, vị cay, có tác dụng giải cảm, an thai, giải độc, chữa bệnh phong hàn, nôn mửa, ngộ độc hải sản, hen suyễn, tiêu đờm và ngăn ngừa tê thấp. Bệnh nhân rửa sạch tía tô, nấu sôi cùng 1 lít nước để uống thay nước lọc mỗi ngày.
Thoái hóa cột sống mạn tính hiện chưa có thuốc đặc trị. Trong trường hợp này, người bệnh có thể kiểm soát cơn đau, ngăn cản quá trình thoái hóa, hạn chế nguy cơ tàn phế bằng các phương pháp cải thiện bảo tồn sau:
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Sử dụng một số dược phẩm hỗ trợ quá trình tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, từ đó cải thiện hiệu quả các triệu chứng của bệnh.
- Tập vật lý trị liệu đều đặn nhằm tăng cường lưu thông máu, giúp hệ thống cơ xương chắc khỏe.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu (uống nhiều nước, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc…), duy trì lối sống lành mạnh (không mang vác vật nặng, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, làm việc – nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thường xuyên…).
Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi các phương pháp cải thiện bảo tồn không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, biện pháp điều trị này ẩn chứa một số rủi ro, có thể dẫn đến biến chứng bại liệt, thậm chí gây tử vong.
Thoái hóa cột sống có được điều trị dứt điểm hay không tùy thuộc vào cơ địa, ý thức chữa bệnh và tình trạng tổn thương cột sống của mỗi bệnh nhân. Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc kết hợp với việc tập vật lý trị liệu, đồng thời điều chỉnh thói quen sinh hoạt – làm việc hợp lý. Nếu bệnh tình đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng, bạn buộc phải phẫu thuật cột sống. Tuy nhiên, biện pháp này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể gây ra tàn phế.