Viêm khớp thái dương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý nghe khá xa lạ. Tuy nhiên, đây là tình trạng rất thường gặp. Gây ra hàng loạt các triệu chứng như:  khó mở miệng, đau nhức hàm, ảnh hưởng lớn đến khả năng ăn uống. Vậy bệnh viêm khớp thái dương hàm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về căn bệnh này nhé!

Viêm khớp thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của hộp sọ mặt, kết nối khối xương sọ với xương hàm dưới. Khớp thái dương hàm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đóng – mở hàm, ăn, nói, nuốt, nhai, ngáp. Khớp thái dương hàm bao gồm:

  • Diện khớp của xương thái dương
  • Diện khớp của xương hàm dưới
  • Bao khớp
  • Đĩa khớp
  • Dây chằng khớp
  • Mô sau đĩa

Viêm khớp thái dương hàm (viêm khớp hàm thái dương, rối loạn khớp thái dương hàm) là tình trạng rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh, gây ra những cơn đau nhức có chu kỳ, co thắt cơ đi kèm hiện tượng mất cân bằng khớp nối giữa xương sọ và xương hàm.

Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh, gây ra những cơn đau nhức có chu kỳ, co thắt cơ đi kèm hiện tượng mất cân bằng khớp nối giữa xương sọ và xương hàm.

Đây là hiện tượng thường gặp, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là nữ giới trong độ tuổi dậy thì và mãn kinh. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lý này sẽ gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân trong quá trình ăn uống, đóng – mở miệng, nhai, nước, ngáp.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ thường xuyên đau nhức khớp thái dương hàm, kèm triệu chứng sưng mặt, ù tai, đau tai, đau răng, chóng mặt, mệt mỏi. Ngoài ra, nếu bị phì đại cơ nhai, khuôn mặt bệnh nhân sẽ trở nên mất cân xứng với một bên hàm phình to bất thường, ảnh hưởng lớn đến vấn đề thẩm mỹ. 

Theo các chuyên gia, những đối tượng dễ mắc bệnh lý này bao gồm:

  • Phụ nữ trong độ tuổi 30 – 50
  • Người bị biến dạng hàm do dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương
  • Bệnh nhân đang bị đau xơ cơ, viêm khớp dạng thấp, rối loạn giấc ngủ, hội chứng mệt mỏi mạn tính

Triệu chứng của bệnh viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mặt. Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy những cơn đau nhẹ nhàng, âm ỉ và nhanh chóng biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, khi bệnh tình chuyển biến xấu đi, người bệnh sẽ thường đau nhức liên tục, dữ dội, đặc biệt là khi ăn uống.

Những cơn đau mỏi ở trong tai và xung quanh tai thường khiến bệnh nhân khó đóng – mở miệng cũng như hạn chế cử động của hàm. Mỗi khi mở miệng, độc giả sẽ nghe thấy khớp phát ra tiếng kêu nho nhỏ. Đồng thời, khi bạn ngậm miệng lại, miệng sẽ bị lệch sang một bên, gây mỏi hàm và mất đi sự hài hòa tự nhiên của khuôn mặt. Bên cạnh đó, những cơn đau khớp thái dương hàm thường có xu hướng lan rộng tới tai và họng, gây đau đầu hoặc đau răng.

Triệu chứng
Những cơn đau mỏi ở trong tai và xung quanh tai thường khiến bệnh nhân khó đóng – mở miệng cũng như hạn chế cử động của hàm.

Các chuyên gia cho biết viêm khớp thái dương hàm nổi hạch là triệu chứng nguy hiểm nhất của viêm khớp thái dương hàm. Tình trạng này xuất hiện cùng các cơn đau nhức tại phần hạch cổ, lâu dần có thể dẫn đến viêm khớp quai hàm. Ban đầu, bệnh lý thường diễn biến một cách âm thầm, khó phát hiện. Tuy nhiên, khi viêm khớp thái dương hàm trở nên tồi tệ, người bệnh sẽ phải đối mặt hàng loạt tình trạng nghiêm trọng sau:

  • Khớp thái dương hàm đau nhức dữ dội: Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy đau nhức khó chịu ở một bên hay cả hai bên khớp thái dương. Thông thường, các cơn đau tăng dần mức độ theo thời gian, bắt đầu từ những cơn đau âm ỉ và tự động biến mất sau vài ngày. Sau đó, vùng cổ người bệnh sẽ sưng to rồi nổi hạch. Lúc này, họ phải chịu đựng nhiều cơn đau nhức dữ dội tại vị trí nổi hạch.
  • Khó cử động khớp hàm: Trong trường hợp bệnh tình ngày càng tồi tệ, các cơn đau nhức sẽ làm người bệnh khó cử động khớp hàm. Khi đó, bạn phải đối mặt với tình trạng viêm khớp thái dương mạn tính và hầu như không thể mở miệng.
  • Đau mỏi hàm, khi nhai phát ra tiếng lục cục: Kể từ khi phát bệnh, người bệnh sẽ liên tục bị đau mỏi hàm. Một cử động nhẹ nhàng và đơn giản cũng có thể khiến họ thêm đau đớn. Vấn đề này thường đi kèm tiếng lục cục trong miệng mỗi khi bệnh nhân ăn uống.
  • Hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, nóng sốt, ù tai: Đây là những triệu chứng điển hình của viêm khớp thái dương hàm. Trong một số trường hợp, người đọc có thể bị nóng sốt vào buổi chiều tối. Thêm vào đó, sức khỏe bệnh nhân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng khi hạch cổ nổi lớn.
  • Phì đại cơ nhai gây biến dạng khuôn mặt: Sau khi nổi hạch ở cổ, rất nhiều người bệnh bị sưng hàm, phì đại cơ nhai, khiến khuôn mặt trở nên mất cân đối, thậm chí dẫn đến biến dạng. Lúc này, mọi hoạt động liên quan đến cơ mặt đều bị giới hạn đáng kể.
  • Giãn khớp tại quai hàm: Khi tình trạng viêm quanh thái dương hàm chuyển thành viêm khớp quanh hàm nổi hạch, người bệnh có thể bị giãn khớp quai hàm. Khi đó, quai hàm chỉ còn dính giữa đĩa khớp với các đầu xương. Nếu bệnh tình chuyển nặng, các đầu xương bắt đầu xơ cứng và đĩa khớp có thể bị rách thủng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân không há miệng được vì khớp hàm đã bị tổn thương lớn, không thể hoạt động nhịp nhàng như trước.

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu là các vấn đề liên quan đến hệ thống xương khớp như: thoái hóa khớp, khớp bị nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp… Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là viêm khớp dạng thấp, chiếm đến 50% trường hợp viêm khớp thái dương hàm.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng khớp thái dương hàm là khu vực khớp tổn thương sau cùng do quá trình thoái hóa khớp, sau khi tình trạng viêm nhiễm diễn ra tại khớp cổ tay, gối và khuỷu. Bệnh viêm khớp thái dương hàm do thoái hóa khớp thường gặp ở những người lớn tuổi, khi phần lớn xương khớp của họ đã bước vào giai đoạn thoái hóa. Ngoài ra, chấn thương vùng hàm (hệ quả của tai nạn lao động, tai nạn giao thông, va chạm khi luyện tập thể thao) cũng là lý do dẫn đến bệnh lý này. Các chuyên gia xương khớp phân loại nguyên nhân viêm khớp thái dương hàm thành 2 nhóm sau:

Nguyên nhân không phải bệnh lý

  • Mở miệng quá rộng một cách đột ngột có thể khiến bệnh nhân đau mỏi trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu bạn bị trật khớp thái dương hàm thì việc điều trị sẽ kéo dài và phức tạp hơn hẳn. 
  • Cơ khớp thái dương hàm phải làm việc quá sức: Những thói quen xấu như: nhai một bên, cắn móng tay, nhai kẹo cao su, nghiến răng khi ngủ… sẽ tạo thành áp lực lớn lên khớp thái dương hàm, khiến các cơ khớp tại đây thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Thông thường, viêm khớp thái dương hàm chính là dấu hiệu cảnh báo quá tải đầu tiên.
  • Chấn thương do va chạm: Té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, va chạm mạnh có thể khiến khớp thái dương hàm bị tổn thương, viêm nhiễm, sưng đau. 
  • Nhổ răng: Thời điểm vừa nhổ răng xong (đặc biệt là răng số 7 và số 8) chính là giai đoạn chúng ta dễ bị viêm khớp thái dương hàm. Những người có răng mọc lệch, chen chúc dẫn đến sai khớp thái dương hàm thường có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn.
  • Cảm xúc tiêu cực: Trạng thái cảm xúc căng thẳng, bất an, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ cũng góp phần gia tăng nguy cơ viêm nhiễm tại khớp thái dương hàm.

Nguyên nhân bệnh lý

  • Nhiễm trùng khớp (nhiễm khuẩn khớp) thái dương hàm: Bệnh lý này kích hoạt tình trạng viêm khớp thái dương hàm. Những loại vi khuẩn thường gặp bao gồm: tụ cầu khuẩn trắng, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn gram âm, thoi xoắn khuẩn, trực khuẩn perfringens, trực khuẩn clostridium oedematiens, liên cầu khuẩn tán huyết alpha, liên cầu khuẩn tán huyết beta… Chúng xâm nhập và gây bệnh tại vùng khớp thái dương thông qua tuyến bã nhờn, lỗ chân lông, vết thương hở, ổ nhiễm trùng răng…
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là nguyên nhân chính (chiếm đến 50%) gây ra viêm khớp thái dương hàm. Viêm khớp dạng thấp xuất hiện khi hệ miễn dịch của cơ thể “hiểu lầm” các khớp đang chứa nhiều mầm bệnh. Vì vậy, hệ miễn dịch thường xuyên tấn công những vị trí “khả nghi” này, từ đó khiến khớp tổn thương nghiêm trọng. Viêm khớp dạng thấp có thể gây cứng khớp kéo dài trên 30 phút, đau nhức, sưng viêm, nóng đỏ vùng khớp thái dương hàm cũng như khớp gối, khớp bàn tay, khớp bàn chân. Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp sẽ làm người bệnh thường xuyên sốt cao, xanh xao, mệt mỏi.
  • Thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp gây tổn thương, hư hại các đầu xương và sụn khớp thái dương hàm. Tình trạng viêm khớp thái dương hàm do thoái hóa khớp thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Thoái hóa khớp khiến thái dương hàm đau cứng khoảng 15 phút vào mỗi buổi sáng, tuy nhiên ít đi kèm hiện tượng sưng đỏ và viêm nhiễm như nhiễm khuẩn khớp và viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm – thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm: Đây là tình trạng viêm nhiễm và thoái hóa bắt nguồn từ một nguyên nhân khác (không phải do hiện tượng sưng viêm tại khớp thái dương hàm). Viêm – thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm thường gặp ở các bệnh nhân bị chấn thương mạn tính tại vùng gần khớp thái dương hàm. Theo thời gian, vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhai nuốt.

Viêm khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?

Đây là bệnh lý không khó để điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân viêm khớp thái dương hàm đều cố gắng giảm đau bằng cách sử dụng thuốc Tây y một cách tự ý, bừa bãi. Theo thời gian, thói quen lạm dụng này có thể dẫn đến hiện tượng lờn thuốc, từ đó gây ra nhiều hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe. 

Trong quá trình bị bệnh, các cơn đau mỏi kết hợp với hành động nghiến răng khiến người bệnh dễ mất ngủ, rối loạn giấc ngủ. Những triệu chứng này sẽ gây ra cáu gắt, căng thẳng, bất an, mệt mỏi, lâu dần dẫn đến chứng trầm cảm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất – tinh thần và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Thêm vào đó, nếu không điều trị kịp thời, bạn có thể bị rối loạn ăn uống và suy dinh dưỡng.

Viêm khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?
Mất ngủ là một trong những hệ quả của bệnh viêm khớp thái dương hàm.

Khớp thái dương hàm nằm ngay dưới tai. Vì vậy, bệnh lý này thường khiến người bệnh ù tai, thậm chí suy giảm thính lực vĩnh viễn. Các vấn đề về tai trong cũng tác động xấu đến chức năng giữ thăng bằng, sinh ra hiện tượng chóng mặt, hoa mắt. Ngoài ra, viêm khớp thái dương hàm cũng có thể hạn chế tầm nhìn hay kẹt hàm vĩnh viễn.

Biện pháp chẩn đoán viêm khớp thái dương hàm

Căn cứ vào kết quả xem xét bệnh sử, thăm khám lâm sàng cũng như nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn một hoặc nhiều kỹ thuật chẩn đoán sau:

  • Siêu âm để kiểm tra độ dày bao khớp, tình trạng tụ dịch khớp và sự ăn mòn xương lồi cầu.
  • Chụp X-quang nhằm đánh giá tình trạng khớp thái dương hàm hai bên.
  • Chụp CT để xác định những tổn thương của xương khớp tại khu vực hàm.
  • Chụp MRI nhằm khảo sát mô mềm, đĩa khớp ở thái dương hàm.
  • Xét nghiệm máu để xem xét tình trạng máu lắng và bạch cầu đa nhân trung tính.

Phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm không khó chữa khỏi. Tuy nhiên, nhiều người bệnh chủ quan nên chỉ đi thăm khám khi bệnh tình trở nặng. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, từ đó vạch ra phác đồ điều trị cụ thể và phù hợp. Khi phải chữa bệnh lâu dài, để đảm bảo an toàn sức khỏe, bệnh nhân nên cân nhắc lựa chọn những loại sản phẩm an toàn, lành tính, có nguồn gốc từ thiên nhiên. 

  • Nếu viêm khớp thái dương hàm bắt nguồn từ các vấn đề răng – hàm – mặt thì độc giả có thể được chỉ định chữa bệnh bằng phương pháp chỉnh hình như: nhổ răng, niềng răng, phục hình thẩm mỹ, điều chỉnh khớp cắn, phẫu thuật xương ổ răng…
  • Trong trường hợp viêm khớp thái dương hàm mức độ nhẹ và có nguyên nhân rõ ràng, bệnh nhân chỉ cần uống thuốc kháng viêm, giảm đau thông thường. Bệnh lý này sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày. 
  • Đối với trường hợp nặng và có nguyên nhân phức tạp, người bệnh cần đi khám bác sĩ răng – hàm – mặt để chẩn đoán chính xác. Trong một số trường hợp, bạn cần gặp bác sĩ nội thần kinh để xác định cụ thể nguyên nhân sâu xa của vấn đề này.

Tuy nhiên, đối với viêm khớp thái dương hàm nói riêng và các bệnh lý viêm khớp nói chung, bệnh nhân cần đặc biệt quan tâm đến mức độ tổn thương sụn khớp và đầu xương (xương hàm, xương sọ) bởi khi khớp bị đau nhức, sụn khớp và đầu xương chính là hai bộ phận đầu tiên bị tổn thương. Nếu những tổn thương này không được chữa lành triệt để, các di chứng nghiêm trọng (mật độ xương giảm, khe khớp hẹp dần, cấu trúc khớp bị lệch) sẽ xuất hiện và thể hiện rõ nét trên hình chụp X-quang.

Sử dụng thuốc Tây y

Việc điều trị viêm khớp thái dương hàm bằng thuốc Tây y phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc sau: 

  • Thuốc kháng sinh: oxacillin, penicillin G 
  • Thuốc kháng viêm không steroid: aspirin, corticoid, diclofenac, meloxicam…
  • Thuốc giảm đau: diclofenac, paracetamol, mobic…
  • Nhóm thuốc NSAIDs: diclofenac, meloxicam 
  • Thuốc giãn cơ eperisone
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Độc tố botulinum toxin

Bên cạnh đó, bạn sẽ được chỉ định kết hợp một số phương pháp trị liệu như: chườm nóng, đeo máng nhai, xoa bóp cơ, tập vận động hàm dưới và chiếu tia hồng ngoại. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với các loại thuốc trên thì viêm khớp thái dương hàm sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, khi bệnh tình diễn biến phức tạp, quá trình điều trị sẽ kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, thậm chí bệnh nhân phải sống chung với vấn đề này cả đời.

Chọc rửa khớp

Với thủ thuật này, bác sĩ sẽ chèn kim vào khớp rồi sử dụng chất lỏng để loại bỏ sản phẩm phụ viêm và các mảnh vụn. Cụ thể, khi đầu kim tiếp xúc với khớp viêm, dung dịch rửa khớp sẽ lấy đi các tác nhân gây bệnh. Đây là phương pháp điều trị vô cùng nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, kỹ thuật chọc rửa khớp phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Bạn không được tự ý thực hiện tại nhà.

Đeo máng nhai

Máng nhai là một loại dụng cụ phổ biến trong nha khoa, thường được chỉ định cho những bệnh nhân viêm khớp thái dương hàm. Với khả năng định vị, thư giãn khớp và giải phóng áp lực lên khớp, máng nhai có thể giảm thiểu những cơn đau mỏi khi nói, nhai và nuốt, từ đó góp phần rút ngắn quá trình điều trị. Theo các chuyên gia, loại máng nhai nhựa được sản xuất ở phòng thí nghiệm có độ chính xác cao, chất lượng tốt, thiết kế hai cung răng vô cùng tinh tế và có thể tháo lắp dễ dàng.

Đeo máng nhai
Máng nhai là một loại dụng cụ phổ biến trong nha khoa, thường được chỉ định cho những bệnh nhân viêm khớp thái dương hàm.

Mài chỉnh khớp cắn

Mài chỉnh khớp cắn được chỉ định sau khi người bệnh đeo máng nhai khoảng 6 tuần – 3 tháng. Kỹ thuật này giúp thái dương hàm hoạt động trơn tru, nhịp nhàng hơn. Mài chỉnh khớp cắn thường được tiến hành nhiều lần để đánh giá chính xác khả năng thích ứng với tình trạng cụ thể của khớp thái dương hàm.

Bấm huyệt, châm cứu

Bấm huyệt, châm cứu vừa giúp giảm đau an toàn, nhanh chóng vừa hạn chế lo âu, căng thẳng và hỗ trợ quá trình chữa bệnh. Thông qua việc tác động trực tiếp lên các dây thần kinh tại khu vực khớp thái dương hàm, phương pháp này có khả năng xoa dịu cơn đau mỏi, giảm thiểu tê bì xương khớp, đồng thời thúc đẩy sự lưu thông máu, từ đó mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu cho bệnh nhân.

Massage/xoa bóp hàm

Đây là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp thái dương hàm phổ biến nhất. Với hai kỹ thuật xoa bóp nông và xoa bóp sâu, cách làm này có thể nhẹ nhàng kích thích các dây thần kinh cảm giác trên da, từ đó góp phần hạn chế cảm giác đau mỏi của bệnh nhân. 

Massage/xoa bóp hàm
Xoa bóp sâu giúp hồi phục chức năng vận động của các cơ, đồng thời thúc đẩy quá trình lưu thông máu đến toàn bộ sụn khớp.

Trong đó, xoa bóp sâu giúp hồi phục chức năng vận động của các cơ, đồng thời thúc đẩy quá trình lưu thông máu đến toàn bộ sụn khớp. Cách xoa bóp hàm rất đơn giản, bạn chỉ cần nhẹ nhàng vuốt ve làn da dọc theo chiều cơ cắn – cơ thái dương, sau đó nắn bóp vị trí này theo chuyển động tròn và lặp lại.

Tập vật lý trị liệu

Các chuyên gia cho biết, nếu thực hiện các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm đúng kỹ thuật, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng và đẩy lùi cơn đau ở giai đoạn đầu. Cụ thể, các bài tập này mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời như:

  • Giảm thiểu mức độ – tần suất của những cơn đau nhức tại khớp thái dương hàm
  • Kéo căng và thư giãn cơ hàm
  • Tăng cường sự linh hoạt của khớp 
  • Hạn chế âm thanh lục cục xuất hiện trong miệng
  • Rút ngắn thời gian hồi phục chức năng của khớp thái dương hàm

Một số biện pháp thay thế thuốc khác

Vì căng thẳng, áp lực là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm khớp thái dương hàm nên các hoạt động hít thở sâu, thư giãn cơ bắp, thiền định, yoga… cũng được các chuyên gia bổ sung vào danh sách phương pháp điều trị của bệnh lý này.

  • Hít thở sâu: Bệnh nhân ngồi thoải mái trên sàn nhà, hít thở bằng mũi, bụng và mở rộng miệng khi hít vào, sau đó thở ra bằng miệng thật chậm rãi, từ tốn và nhẹ nhàng đẩy tay vào bụng.
  • Thư giãn cơ bắp: Bài tập này giúp thư giãn cùng lúc nhiều cơ bắp. Đầu tiên, người bệnh tăng cường mức độ căng của một nhóm cơ nhất định (ví dụ chân, cánh tay) bằng cách thắt chặt cơ bắp, sau đó bắt đầu thả lỏng hoàn toàn. Tiếp đó, bạn chuyển sang căng nhóm cơ khác và thực hiện tương tự.
  • Hình ảnh hướng dẫn: Phương pháp này còn được gọi là hình dung. Theo đó, độc giả nằm im lặng lẽ, hoàn toàn thư giãn và hình dung bản thân đang hòa mình với thiên nhiên trong lành, tĩnh lặng. Bạn có thể tưởng tượng ra khung cảnh một bãi cát trắng hoang vu, duyên dáng hay một khu rừng xanh mát, tươi vui. Hãy mường tượng về những điều tươi đẹp, tuyệt mỹ để tinh thần thư giãn và tâm hồn thư thái hơn.
  • Thiền định: Đây là phương pháp tĩnh tâm vô cùng hiệu quả. Trong thời gian ngồi thiền, bệnh nhân cần ngồi yên thoải mái và đảm bảo tập trung tối đa. Điều này giúp bạn hòa nhập vào trạng thái tĩnh lặng sâu sắc, nhờ đó giảm thiểu các phản ứng căng thẳng và điều hòa suy nghĩ, cảm xúc. 
  • Yoga: Bộ môn này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của mọi hơi thở, chuyển động và tư thế. Hãy bắt đầu bằng một bài tập yoga cơ bản với những động tác đơn giản và thực hành làm chủ hơi thở của chính mình.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng được cân nhắc khi tình trạng viêm khớp thái dương hàm đã quá trầm trọng. Với cách làm này, bác sĩ chuyên khoa sẽ thay thế, sửa chữa hoặc thậm chí loại bỏ phần khớp bị sưng viêm. 

Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng được cân nhắc khi tình trạng viêm khớp thái dương hàm đã quá trầm trọng.

Một số vấn đề cần lưu ý khi điều trị viêm khớp thái dương hàm

Để nhanh chóng kiểm soát và đẩy lùi viêm khớp thái dương hàm, bệnh nhân cần ghi nhớ những vấn đề sau:

  • Ăn những thực phẩm/món ăn mềm nhuyễn, dễ nhai, dễ tiêu hóa.
  • Tránh dùng thực phẩm dẻo, dính hoặc nhai kẹo cao su.
  • Không nhai quá lâu hoặc nhai lệch về một bên.
  • Dùng túi nước đá hay miếng nhiệt chườm lên vùng hàm để hạn chế cơn đau tạm thời.
  • Xoa bóp khu vực dưới hàm 10 – 15 phút/ngày.
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Không ngoác miệng quá rộng khi ngáp.
  • Trong quá trình dùng thuốc, bạn nên thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe nhằm hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn. 
  • Nếu không thể đóng – mở hàm, người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để được hỗ trợ kịp thời.
  • Khi được yêu cầu dùng miếng đeo nhựa, bệnh nhân hãy tuân thủ đúng quy trình nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ thống xương khớp ở hai bên má.
  • Chăm chỉ tập luyện các bài tập xoa bóp, kéo căng cơ hàm, nâng cao đầu, vai, cổ mà bác sĩ hướng dẫn.
  • Làm việc điều độ và nghỉ ngơi hợp lý, sống vui vẻ, lạc quan, tránh áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, cáu gắt.

Tuy gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của bệnh nhân nhưng bệnh viêm khớp thái dương hàm không quá nguy hiểm. Độc giả hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bệnh lý bằng cách điều chỉnh thói quen hàng ngày. Nếu đang mắc phải vấn đề này, hãy thường xuyên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, kịp thời.