Viêm quanh khớp vai: 10+ Thông tin người bệnh cần lưu ý
Viêm quanh khớp vai là bệnh lý xương khớp thường gặp, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của cánh tay và bả vai, từ đó làm suy giảm năng suất lao động của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp người bệnh tìm hiểu thật ký về bệnh lý này. Hãy theo dõi và cùng tham khảo nhé!
Viêm quanh khớp vai là gì?
Viêm quanh khớp vai (Periarthritis Humeroscapularis) là thuật ngữ chung chỉ các bệnh lý viêm và tổn thương các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai (cơ, gân, bao khớp, dây chằng, túi thanh dịch) và không bao gồm các bệnh lý tổn thương đầu xương, sụn khớp hay màng hoạt dịch. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau nhức ở khớp vai. Vì vậy, khả năng vận động của cánh tay và bả vai bị suy giảm nghiêm trọng. Theo thống kê, khoảng 2% dân số nước ta bị bệnh viêm quanh khớp vai. Con số này chiếm 12,5% trong tổng số người bị bệnh khớp.
Theo giới chuyên môn, bệnh viêm quanh khớp vai được chia thành 4 thể lâm sàng sau:
Viêm quanh khớp vai thể thông thường (viêm gân mạn tính)
Bệnh lý này xuất hiện khi người bệnh vận động khớp vai quá mức hoặc sau khi bị chấn thương cơ học liên tiếp. Đây là tình trạng các gân thuộc khớp vai bị viêm, dẫn đến đau nhức. Tổn thương thường gặp nhất của bệnh viêm quanh khớp thể thông thường nằm ở gân cơ trên gai và bó dài gân nhị ở phần đầu của cánh tay. Những cơn đau nhức của bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của bệnh nhân. Bệnh lý sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh vẫn tiếp tục cử động cánh tay.
Viêm quanh khớp vai thể đau vai cấp (viêm khớp vi tinh thể)
Thể bệnh này bắt nguồn từ sự lắng đọng của các tinh thể canxi ở túi thanh dịch, từ đó gây viêm. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội suốt ngày đêm kèm theo hiện tượng sốt nhẹ. Các cơn đau từ từ lan ra toàn bộ vùng vai, lên cổ và xuống cánh tay. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị mất hoàn toàn khả năng vận động.
Viêm quanh khớp vai thể giả liệt khớp vai (đứt mũ gân cơ quay)
Bệnh lý này xảy ra khi dây gân ở khớp vai bị đứt. Khi đó, người bệnh nhân sẽ cảm thấy đau dữ dội ở khớp vai kèm theo những tiếng kêu răng rắc. Tổn thương nghiêm trọng tại dây gân khiến người bệnh không thể tự nâng vai lên được mà phải nhờ đến sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Một số trường hợp còn xuất hiện vết bầm tím ở cánh tay.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng (cứng khớp vai)
Thể bệnh này xảy ra khi khớp vai bị tổn thương do viêm dính bao khớp ổ chảo. Do đó, các cơn đau dữ dội sẽ xuất hiện tại đây, nhiều nhất là vào ban đêm. Lúc này, vai của bệnh nhân trở nên đông cứng, khả năng cử động bị hạn chế rõ rệt. Ngay cả khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác, khả năng cử động của người bệnh vẫn không được cải thiện bao nhiêu.
Bệnh viêm quanh khớp vai tương đối phổ biến và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các cơn đau nhức của bệnh lý này làm suy giảm khả năng cử động của người bệnh. Do đó, chất lượng cuộc sống của họ cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đối với những trường hợp nặng, bệnh viêm quanh khớp vai có thể khiến bệnh nhân mất đi chức năng vận động trong một khoảng thời gian dài, biến dạng khớp, teo cơ, thậm chí tàn phế.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai có thể xảy ra với bất kỳ ai. Theo thống kê, nam giới có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn hẳn nữ giới. Các chuyên gia xương khớp đã liệt kê một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai, đó là:
- Di truyền: Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có người thân bị bệnh viêm quanh khớp vai có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2 – 3 lần người bình thường.
- Tuổi tác: Những người trên 50 tuổi có nguy cơ bị bệnh viêm quanh khớp vai rất cao. Dưới tác động của quá trình lão hóa, hệ phần mềm ở khớp vai gồm gân, bao khớp hay túi dịch bị thoái hóa theo thời gian, gây viêm đau rồi biến thành bệnh lý.
- Chấn thương: Các chấn thương ở khớp vai do va đập trong tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông… phá vỡ cấu trúc tự nhiên xung quanh vai. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh này.
- Thói quen sinh hoạt: Một số thói quen xấu như lười vận động, luyện tập quá sức, nghỉ ngơi không đúng tư thế… cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm quanh khớp vai.
- Yêu cầu công việc: Những người buộc phải hoạt động khớp và cánh tay liên tục trong công việc như giáo viên, vận động viên, tài xế lái xe… rất dễ bị bệnh này.
- Thời tiết: Sự thay đổi thất thường của thời tiết (thời tiết nóng ẩm đột ngột chuyển sang lạnh khô và ngược lại) có thể kích thích vùng khớp vai và gây bệnh.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý khác như: viêm màng não, thoái hóa dây chằng, chấn thương sọ não, thoát vị đĩa đệm cổ, ung thư vú, tiểu đường… có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này.
- Các nguyên nhân khác: Ngoài ra, bệnh viêm quanh khớp vai có thể xuất hiện ở những người thường xuyên khiêng vác vật nặng, từng nắn gãy xương bả vai hoặc phẫu thuật khớp vai, người sử dụng nhiều loại thuốc Tây y như thuốc kháng lao, bệnh nhân bị đột quỵ não…
Triệu chứng của bệnh viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai xảy ra khi phần mềm quanh khớp vai bị tổn thương hoặc thoái hóa. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lý này:
- Sưng và đau khớp vai: Khi hệ thống phần mềm xung quanh vùng khớp vai bị chấn thương, sụn khớp sẽ dễ dàng cọ xát với các rễ thần kinh. Điều này tạo thành những cơn đau âm ỉ ở khớp. Theo thời gian, cơn đau sẽ dần dần trở nên tồi tệ, đặc biệt là khi bệnh nhân nghiêng về phía vai bệnh khi ngủ vào buổi tối. Đây chính là lý do khiến họ thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm. Vì vậy, chất lượng giấc ngủ của người bệnh suy giảm nghiêm trọng.
- Co cứng khớp: Người mắc bệnh này thường bị co cứng khớp khi thức dậy vào mỗi buổi sáng. Vì vậy, bạn cần xoa bóp nhẹ nhàng khớp vai trong khoảng 15 phút. Sau đó, các cơ và khớp vai sẽ bắt đầu duỗi ra và cử động bình thường.
- Rối loạn chức năng vận động: Khi khớp vai chịu tổn thương hoặc bị bào mòn (do thoái hóa), cánh tay, bả vai sẽ bị tê bì, lâu dần gây ra rối loạn chức năng vận động ở khu vực này. Những cử động thông thường như nâng, xoay, nhấc cánh tay đều bị hạn chế. Do đó, những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống người bệnh như chải tóc, mặc quần áo, làm việc nhà… sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
- Triệu chứng ở toàn thân: Bên cạnh 3 triệu chứng lâm sàng trên, người bệnh còn có thể có một số triệu chứng toàn thân khác như: mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược cơ thể, sốt nhẹ vào buổi chiều…
Biến chứng của bệnh viêm quanh khớp vai
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm khớp quanh vai sẽ dẫn đến tình trạng đau nhức dai dẳng, đồng thời suy giảm khả năng vận động. Theo thời gian, bệnh lý này có thể gây ra hiện tượng liệt bàn tay, thậm chí tàn phế. Một số biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này là:
- Hạn chế cử động: Các cơn đau âm ỉ, kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của người bệnh.
- Biến dạng khớp vai: Nếu sưng viêm lâu ngày, khớp sẽ bị tràn dịch. Theo thời gian, cấu trúc tự nhiên của khớp bị biến dạng trầm trọng và khó được phục hồi.
- Tàn phế: Đây chính là biến chứng nguy hiểm và nặng nề nhất của bệnh viêm quanh khớp vai. Khi bị viêm lâu ngày, các khớp quanh vai sẽ tổn thương nghiêm trọng, suy giảm chức năng, cuối cùng không thể hoạt động. Phần khớp này sẽ trở nên bất động và hoàn toàn mất đi khả năng phục hồi.
Đối tượng nguy cơ của bệnh viêm quanh khớp vai
Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm quanh khớp vai cao gồm:
- Người từ 40 – 60 tuổi (đặc biệt là nam giới), thường xuyên lao động chân tay phải giơ tay cao hơn 90 độ.
- Người có tiền sử chấn thương ở vùng khớp vai, chấn thương phần mềm của vùng khớp vai, ngã chống khuỷu tay hay bàn tay xuống nền.
- Người từng gãy xương đòn, bả vai, cánh tay…
- Người có tiền sử phẫu thuật hoặc nắn xương khớp vai hay các vùng lân cận như xương đòn, xương bả vai, xương cánh tay…
- Người nằm bị bất động khớp vai trong một khoảng thời gian dài sau khi gãy xương cánh tay, đột quỵ hay hồi phục sau bệnh nặng.
- Người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, đột quỵ não, đau thắt ngực, viêm khớp dạng thấp, bệnh về phổi và lồng ngực.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm quanh khớp vai
Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh viêm quanh khớp vai được đề cập phía trên, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Thông thường, việc chẩn đoán viêm quanh khớp vai chủ yếu dựa trên phương pháp kiểm tra lâm sàng và chụp X-quang. Bên cạnh đó, căn cứ vào mức độ bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành một số xét nghiệm liên quan như:
- Chụp X-quang khớp vai: Đối với viêm khớp quanh vai thể thông thường, phim chụp khớp vai thường không có thấy tổn thương ở xương và khớp vai. Trong một số ít tương hợp, kết quả chụp X-quang thể hiện hình ảnh ảnh gián tiếp của hiện tượng thoái hóa hoặc lắng đọng canxi ở gân cơ trên gai.
- Siêu âm khớp vai là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm nhập giúp nhanh chóng phát hiện các tổn thương ở khớp vai.
- MRI ghi hình khớp vai có bơm thuốc cảm quang (MRI arthrogram)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho phép chẩn đoán tổn thương mềm ở khớp vai một cách chính xác.
- Nội soi khớp vai là kỹ thuật xâm nhập có cả giá trị chẩn đoán lẫn điều trị. Tuy nhiên, hiện nay, thủ thuật siêu âm và chụp cộng hưởng từ khá đơn giản và phổ biến. Do đó, nội soi khớp vai chỉ được chỉ định khi cần can thiệp (mà không chẩn đoán thông thường).
Biện pháp điều trị bệnh viêm quanh khớp vai
Nhìn chung, biện pháp điều trị bệnh viêm quanh khớp vai có mục đích giảm đau, chống viêm tại vùng bị tổn thương và duy trì vận động. Để cải thiện triệu chứng một cách nhanh chóng và hiệu quả, người bệnh có thể kết hợp các phương pháp sau:
Điều trị viêm quanh khớp vai bằng phương pháp Tây y
Dựa vào mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ vạch ra pháp đồ điều trị cụ thể và phù hợp. Quá trình điều trị bệnh lý này được chia thành 2 giai đoạn chính: điều trị cấp và điều trị duy trì. Ở từng giai đoạn, mỗi cách điều trị sẽ mang lại hiệu quả khác nhau.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có tác dụng thúc đẩy sự tuần hoàn máu trong cơ thể nhằm cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất thiết yếu cho khớp vai, từ đó hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương. Đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với các trường hợp bệnh nhẹ và hoàn toàn không cần dùng thuốc. Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu được các chuyên gia khuyến khích tập luyện.
Với những bài tập này, bạn cần chuẩn bị một cây gậy, dùng 2 tay nắm lấy gậy sao cho khoảng cách 2 tay rộng bằng vai, sau đó thực hiện các động tác sau:
Bài tập dang khớp vai
- Từ từ đưa 2 tay lên trước mặt
- Đánh tay phải về phía bên trái sao cho gậy ở ngay trước ngực
- Quay về tư thế ban đầu rồi lặp lại động tác trên với bên còn lại
- Thực hiện động tác này 10 lần mỗi bên
Bài tập duỗi khớp vai
- Đưa 2 cánh tay ra phía sau
- Từ từ đánh 2 tay sang bên trái sao cho tay trái thẳng, tay phải gập
- Lặp lại động tác tương tự với bên còn lại
- Thực hiện khoảng 5 lần mỗi bên
Bài tập gập khớp vai
- Đưa 2 tay lên trước mặt
- Từ từ hạ xuống dưới
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần/hiệp tập
Bài tập xoay ngoài khớp vai
- Đưa 2 tay ra phía sau gáy sao cho vai được kéo căng hết mức và gậy áp vào gáy
- Giữ nguyên trong vòng 5 giây rồi trở về tư thế ban đầu
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần/hiệp tập
Bài tập đung đưa cánh tay bị viêm
- Đứng trên mặt phẳng cạnh bàn hoặc có vật ngang hông đùi để bám vào
- Dùng cánh tay không bị đau bám vào cạnh bàn/vật bám
- Nghiêng người về phía trước và thả lỏng cánh tay bị đau
- Đưa tay lên xuống nhẹ nhàng rồi xoay thành vòng tròn (chỉ cử động tay, không đung đưa cơ thể)
Bài tập kéo giãn cơ vai và cánh tay bị viêm
- Đứng thẳng, dang 2 chân rộng bằng vai
- Đưa cánh tay bên vai bị đau chéo sang phía đối diện
- Dùng cánh tay còn lại nắm lấy phần khuỷu tay để giữ và kéo trong vòng 30 giây rồi thả ra từ từ
Bài tập kéo dây
- Chuẩn bị dây co giãn chuyên dụng và có móc để cầm nắm
- Móc dây vào vị trí cố định cao ngang eo
- Hai chân hơi chếch sao cho thoải mái và vững vàng nhất
- Dùng cánh tay bên vai bị đau kéo dây đến ngang eo rồi từ từ thả về vị trí ban đầu (chỉ cử động vai, không đung đưa thân người)
- Lặp lại 5 – 10 lần, 3 hiệp tập/ngày
Bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập đơn giản trên hàng ngày, tại bất kỳ nơi đâu để cải thiện hiệu quả triệu chứng đau nhức khớp vai. Tuy nhiên, khi bắt đầu, bạn cần luyện tập với cường độ nhẹ nhàng, vừa phải nhằm đảm bảo khớp vai không làm việc quá sức hoặc bị tác động đột ngột.
Điều trị nội khoa
Những loại thuốc Tây y được sử dụng trong quá trình điều trị viêm quanh khớp vai có công dụng giảm nhanh các triệu chứng, duy trì vận động khớp vai, đồng thời ngăn ngừa bệnh tiến triển. Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ bệnh lý, trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc kháng viêm (Aspirin, Diclofenac…) có khả năng ức chế phản ứng viêm tại khớp, từ đó đẩy lùi cơn đau.
- Thuốc giảm đau thông thường (Codein, Paracetamol…) hạn chế quá trình dẫn truyền thần kinh đến não bộ. Điều này giúp cắt giảm nhanh chóng cảm giác đau nhức.
- Thuốc giãn cơ (Diazepam, Myonal, Valium…) có tác dụng ngăn cản cơ co thắt, giúp cơn đau thuyên giảm.
- Thuốc chống thoái hóa khớp (Diacerein, Glucosamin Sulfat…) có thể làm chậm quá trình thoái hóa của khớp vai. Tuy nhiên, nhóm thuốc này phát huy hiệu quả khá chậm. Do đó, người bệnh cần sử dụng trong thời gian dài để thu được kết quả mong muốn.
- Tiêm Corticoid được chỉ định để điều trị các trường hợp nặng, sau khi người bệnh sử dụng các loại thuốc phía trên mà tình hình vẫn không cải thiện. Corticoid sẽ được tiêm vào bắp tay. Vì vậy, việc tiêm loại thuốc này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế hay những người có trình độ chuyên môn. Bệnh nhân và người thân tuyệt đối không tự ý thực hiện tại nhà.
Lưu ý: Khi điều trị viêm quanh khớp vai bằng thuốc Tây y, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và đạt được hiệu quả tối đa. Bạn không nên tự tìm hiểu, mua thuốc và sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ các chuyên gia.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma – PRP) được chiết xuất từ một thể tích máu tự thân, trong đó nồng độ tiểu cầu và các yếu tố tăng trưởng, sinh học phân tử khác cao hơn nhiều lần so với mức cơ bản bình thường của máu trong tĩnh mạch. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào cơ thể có khả năng kích thích quá trình tự hồi phục từ bên trong, hỗ trợ chữa lành các mô/tế bào bị tổn thương, từ đó đẩy lùi triệu chứng một cách an toàn và hiệu quả. Với mức chi phí khá hợp lý, phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi trong y khoa.
Điều trị ngoại khoa
Với tác dụng sửa chữa tổn thương ở khớp vai và loại bỏ các mô sẹo, phẫu thuật chỉ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định khi bệnh viêm khớp vai đã trở nặng – bệnh nhân bị đứt/rách gân cơ chóp xoay hoàn toàn. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành mổ hở để tái tạo hoặc thay thế khớp vai. Đối với trường hợp gân cơ chóp xoay chưa đứt/rách hoàn toàn (nhưng việc điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả), bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi để phục hồi gân. Sau ca mổ, bệnh nhân cần tái khám định kỳ 1 – 3 tháng/lần nhằm kiểm tra mức độ hồi phục của gân cũng như bao gân ở khớp vai.
Phẫu thuật viêm quanh khớp vai thường được tiến hành ở người trẻ tuổi để hồi phục tổn thương và khả năng vận động. Tuy nhiên, khi bị đứt/rách gân cơ chóp xoay do thoái hóa, người lớn tuổi cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định điều trị ngoại khoa.
Điều trị viêm quanh khớp vai bằng Đông y
Trong quan niệm Đông y, viêm quanh khớp vai là kiên tý thống. Đây là chứng bệnh thuộc phạm vi chứng tý do nhiều nguyên nhân (phong, hàn, tý) gây ra, khiến quá trình lưu thông khí huyết bị ứ tắc, từ đó xuất hiện tình trạng sưng viêm và đau nhức.
Viêm quanh khớp vai trong Đông y có 3 thể bệnh gồm: kiên thống, kiên ngưng và hậu kiên phong.
- Trong giai đoạn 1, phong hàn thắng nên người bệnh chủ yếu đau quanh khớp vai, gọi là kiên thống.
- Trong giai đoạn 2, hàn thấp thắng nên bệnh nhân bị hạn chế vận động, gọi là kiên ngưng.
- Trong giai đoạn 3, các tà khí lâu ngày làm tắc nghẽn đường lưu thông khí huyết, khiến gân cơ suy nhược, gây ra hậu kiên phong.
Dưới đây là 3 bài thuốc chữa bệnh viêm quanh khớp vai tương ứng với từng giai đoạn trên:
Bài thuốc: Quyên tý thang gia giảm (điều trị thể kiên thống)
Chuẩn bị:
- Hoàng kỳ 16g
- Xích thược, khương hoạt,khương hoàng, đương quy, đại táo mỗi vị 12g
- Phòng phong, quế chi, trần bì mỗi vị 0,8g
- Cam thảo, sinh khương mỗi vị 0,6g
Cách thực hiện:
- Cho tất cả dược liệu trên hợp thành một thang rồi sắc uống hàng ngày
- Chia nước thuốc thành 2 phần để uống vào 2 buổi sáng – chiều
Bài thuốc: Quyên tý thang gia vị (điều trị thể kiên ngưng)
Chuẩn bị:
- Hoàng kỳ 16g
- Xích thược, đương quy, khương hoàng, đại táo mỗi vị 12g
- Tô mộc, đào nhân mỗi vị 10g
- Xuyên sơn giáp, phòng phong, khương hoạt mỗi vị 0,8g
- Trần bì, sinh khương, cam thảo mỗi vị 0,6g
Cách thực hiện:
- Cho tất cả dược liệu trên hợp thành một thang rồi sắc uống hàng ngày
- Chia nước thuốc thành 2 phần để uống vào 2 buổi sáng – chiều
Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia vị (điều trị thể hậu kiên phong)
Chuẩn bị:
- Thục địa, hoàng kỳ, đẳng sâm mỗi vị 16g
- Bạch dược 12g
- Đương quy, xuyên khung, đào nhân, hồng hoa mỗi vị 10g
Cách thực hiện:
- Cho tất cả dược liệu trên hợp thành một thang rồi sắc uống hàng ngày
- Chia nước thuốc thành 2 phần để uống vào 2 buổi sáng – chiều
Bên cạnh đó, với công dụng hoạt huyết, đả thông kinh mạch và khu phong trừ thấp, 2 bài thuốc Đông y dưới đây cũng được áp dụng rộng rãi để điều trị viêm quanh khớp vai:
Bài thuốc Ma hoàng quế chi thang gia giảm có công dụng khu phong trừ thấp
Chuẩn bị:
- Bạch chỉ 24g
- Phòng phong 20g
- Ma hoàng, hạnh nhân mỗi vị 16g
- Cam thảo, quế chi mỗi vị 8g
Cách thực hiện:
- Loại bỏ phần mắt của ma hoàng
- Bỏ vỏ quế chi
- Rửa sạch các vị thuốc
- Cho tất cả vào ấm sắc với 1,2 lít nước trên lửa nhỏ
- Khi nước thuốc cạn còn 250ml thì tắt bếp, bỏ bã
- Ban ngày uống 4 lần, ban đêm uống 1 lần
Bài thuốc Quyên tý thang gia giảm có công dụng đả thông kinh mạch và bồi bổ khí huyết
Chuẩn bị:
- Phòng phong, khương hoạt, đương quy mỗi vị 16g
- Cát cánh, xích thược, hoàng kỳ mỗi vị 12g
- Táo nhân 10g
- Thạch xương bồ, sinh khương, viễn chí 8g
- Chích thảo 6g
- Đại táo 7 trái
Cách thực hiện:
- Loại bỏ phần lõi của viễn chi
- Xẻ đôi đại táo
- Rửa sạch các nguyên liệu
- Cho tất cả vào ấm sắc với 1,8 lít nước trên lửa nhỏ
- Khi thuốc cạn còn 250ml thì bắc xuống, bỏ bã
- Chia nước thuốc thành 5 phần bằng nhau
- Ban ngày uống 4 lần, ban đêm uống 1 lần
Lưu ý: Trong quá trình dùng 2 bài thuốc trên, người bệnh nên kiêng thịt bò, thịt chó và đu đủ xanh. Bên cạnh đó, bạn cần kiên trì thực hiện cho đến khi bài thuốc phát huy hiệu quả.
Điều trị viêm quanh khớp vai bằng thuốc Nam
Việc sử dụng các loại thảo dược quen thuộc từ gian bếp, góc vườn để cải thiện triệu chứng viêm quanh khớp vai đã trở nên vô cùng quen thuộc và phổ biến. Với tính chất an toàn, lành tính, các bài thuốc sau đây đã được dân gian áp dụng rộng rãi trong quá trình điều trị bệnh lý này:
Tỏi
- Bóc vỏ, rửa sạch 3 – 4 củ tỏi tươi
- Cho vào bình thủy tinh sạch, đổ thêm rượu trắng sao cho ngập mặt tỏi
- Đậy kín nắp bình, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát
- Ngâm cho đến khi rượu chuyển sang màu vàng
- Mỗi ngày lấy một lượng rượu vừa đủ để xoa bóp vùng khớp vai bị bệnh
Xương rồng
- Gọt bỏ gai nhọn của 3 nhánh xương rồng tai thỏ
- Rửa sạch rồi vớt ra để ráo
- Đem nướng xương rồng trên bếp than cho tới khi chúng teo lại
- Đắp xương rồng trực tiếp lên vùng khớp vai bị viêm khoảng 15 phút
- Thực hiện 2 lần/ngày
Lá lốt
- Đem sao vàng 20g lá lốt với 1 lon muối hột trong 10 phút
- Để nguội vừa phải rồi đắp lên vùng bả vai
- Nằm thư giãn 15 phút để dược tính của lá lốt thấm sâu vào khớp
Cỏ xước
- Chuẩn bị một lượng lớn cỏ xước tươi
- Rửa sạch và phơi khô cỏ xước để dùng dần
- Mỗi ngày, lấy 1 nắm cỏ xước khô sắc với lượng nước vừa đủ trên lửa nhỏ trong vòng 20 phút
- Chắt lấy nước thuốc và uống hết trong ngày
- Thực hiện khoảng 1 tuần
Lưu ý: 4 bài thuốc Nam này chỉ mang lại hiệu quả đối với trường hợp bệnh nhẹ. Ngoài ra, người bệnh cần kiên trì thực hiện trong một thời gian dài để cảm nhận hiệu quả.
Cách phòng ngừa bệnh viêm quanh khớp vai
Sự tổn thương ở các phần mềm bao quanh khớp vai chính là nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, muốn phòng tránh bệnh lý này, độc giả cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh. Bên cạnh đó, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Lao động vừa sức, đúng tư thế, tránh lao lực hoặc vận động mạnh (nâng tay quá cao hay dang tay quá rộng).
- Quan sát cẩn thận khi tham gia giao thông để hạn chế tối đa tổn thương do va chạm, tại nạn.
- Người già cần đi đứng từ tốn, nhẹ nhàng, tránh các đoạn đường cao dốc, trơn trượt.
- Trước khi thể dục hoặc chơi thể thao, bạn nên khởi động làm nóng cơ thể nhằm hạn chế chấn thương vùng vai.
- Chủ động theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến khớp vai, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và thăm khám bác sĩ ngay lập tức khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa hợp, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm có lợi như rau xanh, trái cây, ngũ cốc… đồng thời tránh xa thức ăn nhanh, đồ ngọt, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ cũng như thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có ga.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể (1,5 – 2 lít/ngày) giúp đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể, đồng thời loại bỏ các tác nhân gây viêm nhiễm.
Hy vọng thông tin tổng quan về bệnh viêm khớp quanh vai mà bài viết cung cấp sẽ trở thành một trong những nội dung hữu ích trong cẩm nang chăm sóc sức khỏe của quý độc giả. Nếu người bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể được đẩy lùi hiệu quả. Trong quá trình chữa bệnh, người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sinh hoạt – nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống, luyện tập điều độ.