Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì? Điều trị thế nào?

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là một thể biến chứng của viêm quanh khớp vai. Căn bệnh này làm hạn chế sự vận động của khớp vai và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Để chủ động trong việc điều trị bệnh, bạn đọc nên nắm rõ một số thông tin sau đây.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì?

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng hay còn được biết đến với tên gọi là  viêm quanh khớp vai thể đông đặc hoặc viêm quanh khớp vai thể đông. Biểu hiện dễ nhìn thấy của tình trạng này là bao khớp vai có hiện tượng dày lên, các khớp bị co cứng lại. Tình trạng này làm cho lồi cầu khó có thể trượt lên ổ chảo ở khớp vai và làm cho các khớp ở vai bị đông đặc lại.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì

Triệu chứng này sẽ chuyển biến dần từ nhẹ sang nặng. Bệnh sẽ chuyển biến dần theo thời gian, làm cho vai khó khăn trong việc vận động và di chuyển. Bệnh này xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ tầm 40 -60 tuổi. Đặc biệt, những người có bệnh tiểu đường sẽ dễ bị mắc phải chứng bệnh này hơn so với người bình thường.

Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng tuy là một bệnh lý phổ biến, chỉ đứng sau viêm khớp vai thông thường. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra nó. Bên cạnh đó, chúng ta có thể liệt kê một số yếu tố có thể dẫn đến tình trạng này như:

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì
Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào xác định cụ thể về nguyên nhân gây ra viêm quanh khớp vai thể đông cứng
  • Tuổi tác và giới tính: So với nam giới, nữ giới có nhiều khả năng mắc phải chứng bệnh này hơn, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi 40-60 tuổi. Rất ít khi gặp ở những người trẻ tuổi.
  • Những người hay vận động hoặc làm công việc đòi hỏi phải vận động nhiều ở khớp vai như vận động viên cầu lông, golf, lái xe ủi, xe đầm,…cũng có tỷ lệ mắc phải bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng cao.
  • Người bệnh đột quỵ sẽ có nguy cơ mắc bệnh gấp 3-4 lần so với người bình thường.
  • Bệnh nhân tiểu đường dễ xuất hiện tình trạng vai đông cứng gấp 5- 6 lần bình thường. Ngoài ra, khớp vai của người bệnh sẽ có xu hướng cứng hơn nhiều.
  • Một số trường hợp đã từng bị chấn thương ở khớp vai ( phần cứng hoặc phần mềm) hoặc bất động khớp vai trong một khoảng thời gian lâu cũng là yếu tố dẫn đến bệnh.
  • Mắc phải một số căn bệnh như bệnh Parkinson, bệnh tim, suy giáp, viêm khớp dạng thấp, cường giáp,…

Ngoài ra cũng sẽ có trường hợp mắc bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng mà không xác định được nguyên nhân. Tình trạng này có thể do hệ miễn dịch bị rối loạn, làm tấn công lên các bao khớp ở vai. Hoặc có thể do phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, sau mãn kinh, nội tiết tố bị suy giảm.

Các triệu chứng của bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng là một dạng biến chứng của bệnh viêm quanh khớp vai, nên các biểu hiện cũng được diễn ra theo 3 giai đoạn như giai đoạn đau khớp vai, giai đoạn khớp vai đông cứng, giai đoạn tan đông. Tuy vậy, từng giai đoạn sẽ có các biểu hiện khác nhau để người bệnh có thể dễ nhận biết.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì
Bệnh là một dạng biến chứng của bệnh viêm quanh khớp vai, nên các biểu hiện cũng được diễn ra theo 3 giai đoạn.
  • Giai đoạn đau khớp vai :Trong giai đoạn này, bệnh nhân sẽ cảm thấy khớp vai bị đau nhức. Khi mới xuất hiện bệnh thì các cơn đau chỉ ở mức độ âm ỉ nhẹ. Tuy nhiên, sau hơn vài tháng hoặc nhanh hơn là vài tuần thì cường độ đau bắt đầu tăng dần lên. Các cơn đau sẽ thường xuyên xuất hiện, thậm chí ngay cả lúc bạn đang nghỉ ngơi, nó có thể kéo dài trong cả tháng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Bất kỳ thời điểm nào bạn cũng có thể bị đau vai, nhưng các cơn đau sẽ liên tục và nặng hơn khi đêm về. Ở giai đoạn này vai vẫn chưa bị hạn chế quá nhiều khi vận động. Tuy vậy, do các cơn đau thường xuyên kéo đến làm cho các vận động như gãi lưng, chải đầu hay đưa tay về phía sau sẽ trở nên khó khăn hơn.
  • Giai đoạn khớp vai đông cứng: Trong trường hợp giai đoạn đau khớp vai kéo dài trong khoảng 6 đến 8 tháng thì bệnh sẽ dần chuyển sang giai đoạn đông cứng khớp vai. Lúc này bạn sẽ bị hạn chế nhiều hơn về các hoạt động ở vai, cảm giác vai sẽ từ từ bị đông cứng lại và khó di chuyển. Thời gian này, mọi hoạt động ở vai đều sẽ cần sự trợ giúp của người khác hoặc các di chuyển ở vai đều cần có sự chuyển động của cả khớp ổ chảo và xương bả vai mới có thể làm được. Cánh tay gần như rơi vào trạng thái bất động, kể cả việc dùng tay để với lấy đồ cũng không thể thực hiện được. Khi các hoạt động ở khớp vai trở nên nghiêm trọng và đông cứng nhiều hơn thì các cơn đau sẽ dần được suy giảm. Mặc dù thế chúng vẫn xuất hiện với cường độ ít và duy trì trong khoảng 2 đến 6 tháng.
  • Giai đoạn tan đông: Lúc này các vận động ở khớp vai dần được hoạt động trở lại, nhưng ở mức độ chậm. Nếu muốn các khớp chuyển động lại bình thường thì phải mất tầm từ 1 đến 9 tháng sau đó. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào thể trạng từng bệnh nhân mà thời gian này có thể kéo dài hơn cả năm. Điều đặc biệt là trong giai đoạn hồi phục chức năng của khớp vai thì các cơn đau nhức sẽ xuất hiện trở lại. Nhưng điều đáng mừng là cơn đau sẽ không còn nặng và liên tục như trước nữa, nó có thể kéo dài tầm vài tháng sau giai đoạn này.

Cách điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng là một căn bệnh khá khó trị. Việc chuẩn đoán căn bệnh này thường sẽ dựa trên một số triệu chứng lâm sàng. Dấu hiệu nhận biết dễ nhất là các cảm giác đau ở vai, khớp vai bị hạn chế vận động. Sẽ có trường hợp khi chụp X-quang vẫn không thấy các tổn thương ở khớp vai. Nhưng khi chụp cộng hưởng sẽ thấy được các bao khớp ở khớp vai phù nề và dày lên hẳn.

Sau khi bệnh nhân đã được chẩn đoán cụ thể về bệnh thì có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để điều trị bệnh.

Sử dụng thuốc

Khi người bệnh sử dụng thuốc tây để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng thì trước hết phải xác định được bệnh nhân đang ở giai đoạn nào, để có thể lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.

Ở giai đoạn đau khớp vai thông thường các bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên môn chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau như thuốc kháng viêm NSAID đường uống hay đường tiêm, Paracetamol, ….Bên cạnh đó, đối với một số trường hợp các cơn đau liên tục và khó kiểm soát thì dù ở giai đoạn nào người bệnh cũng có thể sẽ được kê thuốc Corticoid để uống.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì
Để điều trị bệnh thì trước hết phải xác định được bệnh nhân đang ở giai đoạn nào, để có thể lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn 2 thì các bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp một số dạng thuốc tê trong bơm áp lực cùng với thuốc Corticoid. Ổ khớp sẽ được bóc tách khi tiêm thuốc tê vào, khi bơm thuốc người bệnh sẽ cảm nhận được các bao khớp đang dần rách nhưng thực tế lại không phải thế. Theo khoa học thì biểu hiện này là hoạt động bóc tách diễn ra trong khớp vai.

Các vị trí thường được tiêm thuốc là mặt dưới, bên ngoài hoặc dưới mỏm quạ của khoang khớp vai. Để đảm bảo sự chính xác khi tiêm thì các vị trí này luôn được xác định cụ thể bởi máy siêu âm. Điều này vô cùng quan trọng, vì chỉ cần tiêm sai vị trí cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ cho người bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ luôn được vô khuẩn trước khi tiêm để đảm bảo không gây nhiễm khuẩn hay bất kỳ biến chứng xấu nào.

Tuy nhiên, biện pháp điều trị bằng thuốc tây chỉ có công dụng hỗ trợ giảm đau, giải phóng các bao khớp bị đông cứng và kháng viêm cho khớp vai.

Điều trị bằng vật lý trị liệu

Biện pháp này sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi được các hoạt động ở khớp vai. Vật lý trị liệu có thể điều trị cho rất nhiều bệnh về xương khớp, đặc biệt đây là phương pháp vô cùng hiệu quả dành cho những người bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Cũng bởivì chỉ có việc tập luyện thường xuyên các động tác vật lý trị liệu mới có thể tác động được khả năng vận động của khớp vai. Tuy nhiên, biện pháp này cần sự kiên trì, tập luyện thường xuyên và đúng cách trong thời gian nhất định mới có thể hồi phục như ý muốn.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì
Đây là phương pháp vô cùng hiệu quả dành cho những người bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

Một số phương pháp vật lý trị liệu mà người bệnh được chỉ định như:

  • Áp dụng các phương pháp vật lý : như điện di ion thuốc, sóng cực ngắn, vi sóng, điện sung, sóng ngắn, bức xạ hồng ngoại,….Các biện pháp này sẽ giúp khớp vai được kháng viêm và cung cấp dinh dưỡng nuôi dưỡng khớp vai.
  • Điều trị bằng một số bài tập chức năng: sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, bài tập con lắc, xoay cánh tay, kéo nắn bằng tay,…Khi tập các bài tập này sẽ hỗ trợ các bao khớp cơ được giãn ra, tách rời các điểm dính khớp, giúp vùng khớp được tăng diện tích. Nhờ thế mà khả năng vận động của khớp vai được cải thiện. Người bệnh nên kiên trì tập luyện 2 lần/ ngày, mỗi lần tập trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng.

Điều trị can thiệp

Nếu áp dụng các biện pháp điều trị trên mà không làm tình trạng bệnh thuyên giảm thì các bác sĩ chuyên môn sẽ hỗ trợ và chỉ dịnh người bệnh sử dụng các biện pháp can thiệp.

  • Gây tê thần kinh vai trên và kéo giãn khớp vai ở dưới: người bệnh sẽ được sử dụng một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm để hỗ trợ làm thuyên giảm các cơn đau trong khoảng 1 tuần trước khi gây tê và áp dụng các kỹ thuật bóc tách. Sau khi điều trị, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng viêm, áp dụng các bài tập vật lý trị liệu để tránh bệnh quay trở lại.
  • Mổ nội soi khớp vai: Sau khi mổ sẽ giúp cho các chỗ dính được bóc tách ra, các gai xương được cắt gọt, cắt đốt dải xơ dính. Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải tập các bài tập chức năng sau đó để không làm các bao khớp bị dính trở lại.

Bài viết trên đã tổng hợp những thông tin về bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng và cách điều trị hiệu quả. Hy vọng bạn đọc sẽ sớm có phương pháp điều trị sớm để không làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.