[Tìm hiểu] Phương pháp xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp
Xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp là phương pháp cổ truyền giúp giảm đau nhức, thư giãn cơ bắp, sưng viêm an toàn, hiệu quả.
Đối tượng áp dụng và cách thức xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp ra sao? Cần lưu ý những gì khi thực hiện? Theo dõi bài viết để nắm được nội dung chi tiết.
Có nên xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp?
Viêm khớp dạng thấp (viêm đa khớp) là bệnh xương khớp mãn tính thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Không giống với các bệnh viêm khớp mãn tính khác, bệnh lý này xảy ra do hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch. Ở người mắc bệnh, cơ thể có xu hướng sản sinh kháng nguyên phá hủy và làm tổn thương màng bao hoạt dịch, mô sụn và một số cơ quan khác.
Bệnh có tính chất hệ thống, tiến triển dai dẳng và chưa thể điều trị hoàn toàn. Hiện tại, các loại thuốc được sử dụng như thuốc chống viêm, giảm đau, chống thấp khớp,… chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển. Tuy nhiên, lạm dụng các loại thuốc này có thể gây tổn thương gan, thận và làm phát sinh các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Chính vì vậy hiện nay, nhiều bệnh nhân lựa chọn xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp để giảm đau nhức, chống viêm, thư giãn cơ và giảm thiểu nguy cơ lạm dụng thuốc Tây. Phương pháp này sử dụng lực từ ngón tay để tạo ra kích thích vật lý tại chỗ nên hầu như không ảnh hưởng đến gan, thận và các cơ quan nội tạng khác.
Không chỉ được lưu truyền trong y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt đã được công nhận trên cơ sở khoa học và hiện nay được ứng dụng trong kỹ thuật vật lý trị liệu. Các chuyên gia cho biết, tác động từ phương pháp này có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu và kích thích cơ thể sản sinh beta-endorphin (morphin nội sinh có tác dụng giảm căng thẳng và đau nhức).
Do đó bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể kết hợp với xoa bóp bấm huyệt để giảm đau nhức, tăng cường tuần hoàn máu ở vị trí khớp đau nhức và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc. Phương pháp này được áp dụng đối với hầu hết các trường hợp viêm khớp dạng thấp gây đau nhức và tê cứng ổ khớp.
Tuy nhiên, không thực hiện xoa bóp bấm huyệt cho các đối tượng sau:
- Người bị viêm khớp dạng thấp kết hợp với loãng xương
- Người mắc bệnh ngoài da ở vùng khớp bị tổn thương (lở loét, vết thương hở, chàm, vảy nến,…)
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông
- Người đang bị sốt cao (cần điều trị sốt trước khi tiến hành xoa bóp bấm huyệt)
Cách điều trị viêm khớp dạng thấp bằng xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị không sử dụng thuốc và tương đối an toàn. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, bệnh nhân không nên tự ý thực hiện tại nhà. Thay vào đó cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín có đội ngũ y sĩ, bác sĩ được đào tạo bài bản về chuyên ngành y học cổ truyền.
Dưới đây là quy trình xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp:
1. Xát, xoa, bóp và day vùng khớp bị viêm
Trước khi bấm huyệt, bác sĩ sẽ tiến hành xát, xoa, day và bóp lên vùng khớp bị viêm để thúc đẩy tuần hoàn máu, làm nóng khớp nhằm hạn chế tình trạng đau nhức và bầm tím khi thực hiện bấm huyệt.
- Xát: Sử dụng gốc bàn tay di động trên da theo hướng thẳng, đưa lên đưa xuống hoặc sang phải, sang trái từ 1 – 3 phút. Khi xát, bác sĩ thường dùng kèm với bột talc hoặc dầu để làm trơn da và giảm ma sát trong quá trình thực hiện. Tác dụng của thủ thuật xát là tán hàn, khu phong, thông kinh lạc và giảm sưng đau.
- Xoa: Thủ thuật này sử dụng gốc bàn tay hoặc lòng bàn tay xoa lên vùng khớp đau nhức theo chuyển động tròn. Khi xoa, bác sĩ thường dùng lực nhẹ lướt trên vùng da của khớp bị đau nhức nhằm thông khí huyết, tán hàn, khu phong và giảm sưng đau.
- Bóp: Bóp là thủ thuật dùng cả bàn tay bóp lấy khối cơ ở vùng khớp bị đau nhức, vừa bóp vừa hơi kéo thịt lên. Thủ thuật này thường được thực hiện đối với viêm khớp dạng thấp gây tổn thương ở tứ chi và vùng vai. Bác sĩ sẽ điều chỉnh lực bóp tùy theo khối cơ nhỏ hay lớn. Tác dụng của thủ thuật bóp là thông kinh lạc, khu phong, tán hàn và giải nhiệt.
- Day: Dùng gốc bàn tay ấn xuống vùng da của huyệt vị đau nhức, sau đó di chuyển theo chuyển động tròn (tay của bác sĩ phải dính liền với da của bệnh nhân). Khi day, phải thực hiện chậm và điều chỉnh lực mạnh – yếu tùy thuộc vào vị trí khớp và mức độ tổn thương mô sụn. Day và xoa được xem là các thủ thuật chính trong việc giảm sưng tấy do viêm khớp dạng thấp gây ra.
2. Tác động lên các huyệt vị
Sau khi xoa bóp vùng khớp bị sưng đau, bác sĩ sẽ tiến hành ấn các huyệt vị có tác dụng giảm đau nhức và tê cứng khớp do bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra.
Các huyệt vị có tác dụng giảm đau do viêm khớp dạng thấp:
- Huyệt A thị (Bất định huyệt): Huyệt A thị được xác định bằng cách ấn vào vùng khớp bị đau nhức. Nơi đau nhất được xác định là huyệt A thị. Bấm huyệt vị này có tác dụng giảm đau nhức dựa trên cơ chế thúc đẩy lưu thông khí huyết.
- Huyệt Nội đình: Huyệt Nội đình nằm ở giữa kẽ ngón chân thứ 2 và thứ 3. Ấn huyệt vị này có tác dụng tiết nhiệt, trấn thống, lý khí và hóa trệ.
- Huyệt Hợp cốc: Huyệt Hợp cốc nằm ở giữa xương bàn ngón thứ 2 (ngón trỏ). Huyệt có tác dụng giải nhiệt, phát biểu và trấn thống (giảm đau).
Trên đây là những huyệt vị cơ bản được áp dụng trong bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp. Trên thực tế, bác sĩ có thể tác động vào một số huyệt vị khác nếu bệnh gây đau nhiều, khớp tê cứng và khó khăn khi vận động.
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng xoa bóp bấm huyệt được thực hiện 30 phút/ lần/ ngày trong 15 – 30 ngày tùy vào mức độ cơn đau và tiến triển của bệnh. Nếu đau nhiều, bệnh nhân nên thực hiện 2 – 3 liệu trình liên tục để cải thiện triệu chứng hoàn toàn.
Bấm huyệt trị viêm đa khớp dạng thấp có tác dụng phụ không?
Xoa bóp bấm huyệt là liệu pháp giảm đau an toàn, có thể áp dụng với nhiều trường hợp và hầu như không gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan nội tạng. Liệu pháp này chủ yếu tận dụng lực của bàn tay để tạo ra kích thích vật lý lên vùng da, mạch máu, dây thần kinh và cơ bắp ở vùng khớp bị tổn thương nên có thể thực hiện trong thời gian dài.
Mặc dù hiệu quả giảm đau và sưng viêm kém hơn so với dùng thuốc nhưng phương pháp này có độ an toàn cao và hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên trong quá trình bấm huyệt, một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng choáng với các biểu hiện điển hình như vã mồ hôi, chóng mặt, sắc mặt nhợt nhạt và mạch nhanh.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ dừng xoa bóp bấm huyệt, ủ ấm, cho bệnh nhân uống nước chè nóng, lau mồ hôi và cho nằm nghỉ tại chỗ. Sau khoảng 15 – 30 phút, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.
Trên thực tế, hiện tượng choáng khi xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp chỉ xảy ra đối với bệnh nhân có sức khỏe kém, cơ thể suy nhược, căng thẳng, hồi hộp hoặc bị kích động tinh thần. Vì vậy trước khi tiến hành liệu pháp này, bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi, giữ tâm lý thoải mái và lạc quan để tránh rủi ro trong quá trình thực hiện.
Một số lưu ý khi bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp
Xoa bóp bấm huyệt trị viêm khớp dạng thấp có thể hỗ trợ giảm đau nhức, sưng viêm và cải thiện chức năng vận động. Tuy nhiên khi áp dụng phương pháp này, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không nên tự xoa bóp bấm huyệt tại nhà. Tác động không đúng huyệt vị và điều chỉnh lực không phù hợp có thể gây đau nhức, bầm tím hoặc thậm chí làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh.
- Cần kiên trì xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp theo đúng liệu trình để đạt được hiệu quả cao. Thực hiện không đều có thể làm giảm tác dụng và gây gián đoạn quá trình điều trị.
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc chống đông máu và tránh lo âu quá mức trước khi thực hiện bấm huyệt. Ngoài ra sau khi xoa bóp bấm huyệt, nên nghỉ ngơi tại phòng khám trong 30 phút trước khi trở về nhà.
- Khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt, nên kết hợp với chế độ luyện tập nhẹ nhàng để hỗ trợ giảm đau nhức, tê cứng khớp và thúc đẩy tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, có thể dùng kèm với thuốc nếu triệu chứng đau có mức độ nặng.
- Phụ nữ mang thai và người có vấn đề sức khỏe đặc biệt (cao huyết áp, tiểu đường,…) nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để tránh tác động lên các huyệt vị gây co bóp tử cung và làm tăng huyết áp.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và tránh lao động nặng. Kết hợp với lối sống lành mạnh giúp tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị và làm chậm tiến triển của bệnh.
- Lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ, y sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về xoa bóp bấm huyệt và đảm bảo yếu tố vô trùng trong quy trình thực hiện. Thực hiện phương pháp này tại các cơ sở kém chất lượng có thể gây nhiễm trùng và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh.
Xoa bóp bấm huyệt chữa viêm khớp dạng thấp là phương pháp giảm đau không dùng thuốc. Áp dụng phương pháp này đều đặn kết hợp với lối sống khoa học có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, cần thực hiện bấm huyệt tại các phòng khám có chất lượng.